Cùng Nghệ nhân Hát Then Nguyễn Văn Hữu tìm hiểu về phong tục đón Tết của người Tày ở Bắc Quang, Hà Giang.
>>Xuân Sapa – Bản tình ca của đất trời
Dân tộc Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái là dân tộc có dân số đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam sống tập trung tại các miền núi phía Đông Bắc. Ở tỉnh Hà Giang, dân tộc Tày chiếm khoảng 25% dân số trong tỉnh. Trải qua thời gian, đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang.
Tết đến xuân về, những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang là một trong những nét đẹp văn hóa thu hút nhiều du khách từ mọi miền đất nước khi đến với Hà Giang. Theo chân Nghệ nhân Hát Then Nguyễn Văn Hữu – Hội viên Nghệ nhân Dân gian xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, Hà Giang, chúng tôi được nghe Nghệ nhân giới thiệu về phong tục tập quán, lễ Tết của người Tày tại Bắc Quang và du ngoạn cảnh sắc mùa xuân của vùng Đông Bắc.
Suốt cuộc hành trình khám phá nét đẹp văn hóa Tết và thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên mùa xuân về của núi rừng Đông Bắc, Nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Người Tày ở Bắc Quang từ xưa ko làm lễ cúng ông công, ông táo. Tuy nhiên bởi sự giao lưu văn hoá nên một số gia đình sẽ làm lễ thắp hương, cho ông công ông táo vào ngày 23 tháng Chạp. Họ quan niệm một năm làm lụng vất vả ngày Tết là ngày mọi người đến chơi thăm hỏi nhau cùng nhau chung vui. Vì vậy, vào ngày này, gia đình nào cũng có một con lợn để ăn Tết".
Cùng chung với niềm vui chung của đồng bào cả nước, Tết của người Tày ở Bắc Quang mọi người dân cũng sẽ cùng nhau chuẩn bị Tết và treo cờ đỏ sao vàng. Cùng với đó mọi gia đình đều chuẩn bị đồ Tết, sắp sửa các đồ dùng mới, quét dọn nhà cửa, sửa sang gian bàn thờ, chọn cây nêu về cắm trước của nhà.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu chia sẻ, ngày 30 Tết bếp được gia đình quét gọn, sạch sẽ. Ngày đó mới được nhấc kiềng ra khỏi vị trí để xúc hết tro bụi cũ ra khỏi bếp. Gác bếp được quét sạch bò hóng, đồng thời treo thịt lợn ướp muối, phải có thủ lợn treo ở giữa gác bếp. Một nét văn hóa độc đáo trong phong tục Tết của người Tày tại Bắc Quang là quan niệm giữ lửa trong nhà suốt 15 ngày đầu xuân với mong muốn được nhiều may mắn, xua tan cái xấu. Trong ngày đó bếp phải có 1- 2 đoạn củi gộc, loại gỗ cứng, tươi càng tốt và được đấu vào nhau làm sao ước chừng gỗ có thể cháy từ trước giờ giao thừa đến Rằm tháng Giêng.
Ngoài ra, trong tháng Tết cổ truyền, đặc biệt là từ mùng một đến Rằm tháng Giêng không được nói tục, không được làm những việc xấu, nói xấu người khác. Người Tày quan niệm rằng, ngày đầu năm mới nếu ai không kiêng được thì năm đó hay ốm đau, mùa màng thất bát, chăn nuôi thiệt hại.
Nghệ nhân Hữu chia sẻ: “Một nét độc đáo trong ẩm thực Tết của người tày chính là bánh chưng gù – một thức vị Tết không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết và cưới hỏi của người Tày ở Bắc Quang. Để có một chiếc bánh chưng ngon, công việc chọn lá rất quan trọng. Người dân sẽ chọn lá dong to và đẹp, đặc biệt là phải chọn loại gạo nếp thơm ngon và dẹo. Sau đó chuẩn bị gia vị cho chiếc bánh với thịt lợn ba chỉ, hát tiêu, đậu và lạt để buộc bánh. Bánh chưng phải được đun kỹ và trông thật cẩn thận. Loại củi cũng phải chọn loại có than đẹp, tốt, để bánh chín đều thơm ngon. Ở Bắc Quang có 2 loại bánh chưng phổ biến là bánh chưng xanh và bánh chưng đen”. Ngoài ra, mỗi gia đình còn chuẩn bị lợn, gà, rau củ quả,… để phục vụ cho những ngày Tết. Tất cả mọi thứ đều chuẩn bị trước Tết, mùng 1 người dân kiêng vào vườn hái rau và củ quả,v.v...
Khi mọi công tác chuẩn bị cho Tết được tươm tất thì mọi gia đình đều chờ đón đêm giao thừa. “Đêm đón giao thừa mọi người sẽ tập trung ở nhà thắp hương đến giao thừa không cho hương tắt, và thức cho đến khi gà gáy. Người Tày quan niệm rằng ai thức trước gà sẽ thông minh sáng dạ nhanh nhẹn, biết tính toán làm ăn no đủ. Giao thừa nhà nào cũng mang ống đi lấy nước mới. Khi đi lấy nước người ta thường mang theo ba nén hương đến cắm bên cạnh máng nước nói với thần nước để xin nước mới và khi lấy nước về phải đun ngay một ấm pha chè đặt lên ban thờ mời tổ tiên uống nước. Sau đó cắt giấy đỏ dán vào cửa nhà, chuồng châu, bò, lợn, gà và gián vào các nông cụ sản xuất... Ngày mùng 1 Tết của người Tày tại Bắc Quang tất cả mọi người sẽ đi Tết bên ngoại” – Nghệ nhân Hữu kể.
Những ngày mùng hai và mùng ba Tết, người người nhà nhà sang thăm họ hàng, làng xóm và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí truyền thống như: đánh yến, ném còn, đánh sảng, bắn nỏ kéo co… Đến ngày mùng bốn Tết, mọi người bắt đầu mang lễ ra ruộng cúng thần linh, thần đất, thần nước. Chủ gia đình cuốc cày đầu năm để lấy ngày, đó là tục lệ khai xuân xuống đồng đặc trưng của người Tày vẫn thường được diễn ra vào dịp đầu năm còn gọi là lễ hội Lồng tồng.
>>Hà Giang khác biệt trong các giải pháp cho du lịch 2023
>>Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái tại thôn Sơn Hào, Quan Lạn
Trên cuộc hành trính khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc và con người của mảnh đất này, chúng tôi còn được chìm đắm trong những tiếng nhạc của đàn tính, nghe Nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu hát những bài hát Then rất ý nghĩa của những ngày đầu xuân mới. “Về hát Then đàn Tính bây giờ rất phát triển do nhu cầu tất yếu của cuộc sống người dân địa phương. Hàng năm vào các dịp lễ Tết, mỗi độ Xuân về bà con hát Then và mặc trang phục áo dài truyền thống của dân tộc Tày. Hát Then hiện nay đều có trong các lễ hội văn hóa lớn không chỉ riêng của Hà Giang mà còn trong các dịp lễ lớn của đất nước hoặc đám cưới, hội nghị, hội thảo… được tổ chức ở các tỉnh để giao lưu văn hóa các dân tộc” – Nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu chia sẻ.
Theo Nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu, Đảng và Nhà nước ta đang rất quan tâm đến văn hóa hát Then, nên chính quyền địa phương tại một số huyện, xã của Hà Giang đã mở một số lớp hát Then đàn Tính và các lớp truyền dạy nhằm khôi phục lại văn hoá truyền thống này của người Tày.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Cá nhân tôi nhận thấy sự mai một của hát Then đàn Tính, bằng niềm đam mê nét đẹp văn hóa này gắn với truyền thống của gia đình, tôi đã đi truyền dạy hát Then đàn tính cho bà con, những người yêu hát Then và đàn Tính. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Hà Giang tôi đã truyền dạy được rất nhiều người từ người lớn tuổi đến các em học sinh ngay tại quê hương Bắc Quang và một số xã khác như xã Du Già (huyện Yên Minh), xã Phương Độ (TP. Hà Giang), xã Vô Điếm (Bắc Quang), xã Bạch Ngọc và xã Phú Linh (Vị Xuyên), xã Minh Sơn (Bắc Mê),… Ngoài ra thì tôi còn được mời dạy tại các xã, huyện thuộc Tuyên Quang, và được mời tham gia biểu diễn ở các tỉnh như Thái Nguyên, Yên Bái,…”
Theo chân Nghệ nhân Hát Then Nguyễn Văn Hữu, dọc cung đường của Bắc Quang chúng tôi được anh giới thiệu về khu du lịch sinh thái Khuổi Xíu (Thôn Cầu Ham, thị Trấn Viết Quang), được đến với Khu du lịch sinh thái Hồ Quang Minh tại làng Du lịch văn hoá cộng đồng thôn Khiềm xã Quang Minh. Rồi theo anh dến với điểm du lịch Thác Nặm Tạu, hang Nặm Tan, Hang Khâu Đôn (xã Đức Xuân) hay Làng văn hóa du lịch tiêu biểu dân tộc Pà Thẻn (thôn Minh Thượng)…
Trong đó, ấn tượng nhất là điểm du lịch Thác Thí. Cách trung tâm huyện Bắc Quang khoảng 1,5km. “Thác được tạo nên bởi dòng suối bắt nguồn từ dãy Tây Côn Lĩnh. Thác Thí nằm trong top những dòng thác thơ mộng nhất của nơi địa đầu Tổ quốc. Với 4 tầng nước đổ xuống tựa như dải lụa trắng hờ hững giữa cánh rừng nguyên sinh. Nhìn dòng thác từ xa, các bạn có thể liên tưởng đến mái tóc của các nàng tiên trong những câu chuyện cổ tích của người dân tộc nơi đây. Đây chính là câu ví mà mỗi du khách khi đến đây đều được nghe” – Nghệ nhân Hữu bày tỏ.
Những ngày đầu xuân, du lịch Hà Giang rất đông du khách đến trải nghiệm và khám phá những nét đẹp văn hóa đậm đà bẳn sắc cũng như thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ vỹ của vùng Đông Bắc. Thác Thí đã trở thành một địa danh không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với Hà Giang.
Nghệ nhân Hát Then Nguyễn Văn Hữu là người đã tự tay chọn đàn và dạy đàn cho Hoạ hậu các Dân tộc Việt Nam Nông Thuý Hằng (một có gái dân tộc Tày), cô đã đạt điểm cao nhất ở phần thi năng khiếu khu vực phía Nam. Hiện nay, rất nhiều du lịch nước ngoài và trong nước biết đến Nghệ nhân Hát Then Nguyễn Văn Hữu kênh youtube Xuân Hữu Đàn Tính với 13.677 lượt theo dõi và fanpage với hơn 18.000 người. Qua rất nhiều thời gian giới thiệu và quảng bá về nghệ thuật hát Then đàn Tính và những nét đẹp văn hóa dân tộc Tày, hiện các kênh mạng xã hội này đã có rất nhiều fan hâm mộ ở trong và ngoài nước. Và cũng từ đó, những fan hâm hộ này đã trở thành du khách tìm đến với Nghệ nhân Nguyễn Văn Hữu để nghe hát Then và trải nghiệm nét đẹp văn hóa bản địa cũng như thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên khi đến Hà Giang. |
Có thể bạn quan tâm
[CẢM XÚC XUÂN] Tết này lại nhớ tết xưa...
16:25, 22/01/2023
Du lịch phục hồi
05:00, 22/01/2023
Trải nghiệm du lịch hang động ở Cát Bà
00:45, 22/01/2023
Đà Nẵng: Đường hoa xuân 17 tỷ "hút" khách du lịch đến "check-in"
02:00, 21/01/2023
Hòa Bình phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
02:30, 20/01/2023