Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn nhiều tồn tại chưa xử lý dứt điểm nhưng đã thu phí trở lại khiến dư luận đặt câu hỏi: chủ đầu tư có bỏ mặt sự an toàn của các phương tiện tham gia giao thông?
Như đã phản ánh ở các kỳ trước, theo kết luận ngày 29/9/2017 về việc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thời kỳ được kiểm toán là từ khi triển khai dự án đến ngày 31/3/2017 và các thời kỳ trước, sau có liên quan, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án và đã kiến nghị xử lý tài chính 410 tỷ đồng.
Cùng với đó, chỉ sau 1 năm đưa vào khai thác sử dụng, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện những "ổ voi", khiến mặt đường bong tróc. Nhiều cầu bị thấm dột chảy nước. Đó là hậu quả tất yếu của quá trình quản lý và thi công không đảm bảo kỹ thuật mà Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra những sai phạm. Việc khắc phục những sai phạm đến thời điểm này chỉ là sự đổ thừa của chủ dự án cho ông trời và xe quá tải…
Chưa khắc phục xong hàng loạt sai phạm
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có đảm bảo an toàn khi những tồn tại chưa được xử lý dứt điểm. Những "ổ voi, ổ trâu" đã được nhà thầu vá lại nhưng hàng loạt tồn tại đã được người dân chỉ ra cũng như hàng loạt hạng mục đảm bảo an toàn cho tuyến cao tốc vẫn chưa xong. Thế nhưng, chủ đầu tư VEC vẫn xin thu phí trở lại và được cơ quan chức năng cho phép.
Những sai phạm đã được người dân tiếp tục "vạch mặt, chỉ tên" ngay trên nhiều hạng mục của tuyến cao tốc đầu tiên tại miền Trung đó là tại các gói thầu số 1, 2, 3B, 5, 6 và 7 có 21 cầu xuất hiện hiện tượng nước thấm từ dải phân cách giữa xuống mố trụ, thấm nước mối nối ống thoát nước mặt cầu.
Tại gối thầu A1, A2, A3 còn tồn tại tình trạng mặt đường bị đọng nước. Một số hạng mục cầu, hầm chui xuất hiện tình trạng thấm nước, rỉ nước từ điểm thu nước xuống cống, ống thu nước bị bật khỏi mối nối. Lòng cầu/hầm chui chưa được thanh thải, vệ sinh; chưa thanh thải vật liệu thừa khi thi công ra khỏi công trường. Công tác gia cố mái taluy từ nón đầu cầu chưa hoàn thiện, công tác hoàn trả đường địa phương, thi công đường ngang, đường gom chưa thi công xong.
Tại khu vực cầu OP10 ở Km41+235 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong những ngày qua xuất hiện những trận mưa nhỏ kéo dài khoảng 30 phút đã khiến nước mưa từ mặt cầu thấm và chảy xuống mố cầu.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 05/11/2018
07:00, 04/11/2018
19:38, 03/11/2018
11:31, 01/11/2018
Ngay tại gói thầu số 6, cầu OP11 ở Km42+723 có ba điểm thấm nước ở mố cầu và bị rêu bám vào. Đó là chưa kể những hạng mục đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến cao tốc này là lưới bảo vệ hai bên vẫn còn dở dang đã được chủ đầu tư đổ thừa là do địa phương chưa bàn giao mặt bằng.
Đây là những tồn tại đã được đơn vị thi công giấu kín đến khi người dân phát hiện và báo chí vào cuộc thì VEC mới tìm hiểu, công nhận đó là sự thật và cho rằng công trình đang trong thời hạn bảo hành và đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình là chủ dự án, cơ quan giám sát ở đâu trong quá trình thi công để các nhà thầu chính, nhà thầu phụ tự tung tự tác làm ẩu để những hạng mục quan trọng trên tuyến cao tốc này xuống cấp.
Liệu đã đảm bảo an toàn?
Mặc dù trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn nhiều tồn tại đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thiện như lưới chắn bảo đảm an toàn hai bên đường, một số cầu thấm dột nước. Thế nhưng, hôm 18/10, VEC đã gửi văn bản lên Bộ GTVT thông báo về việc hoàn thành sửa chữa đường cao tốc và có đề nghị được cho thu phí trở lại.
Việc nóng lòng xin thu phí trở lại trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã gần như bỏ mặt sự an toàn của các phương tiện mà chủ đầu tư không nghĩ đến.
Theo lãnh đạo VEC, mỗi ngày dừng thu phí đơn vị bị thất thu từ 500 - 600 triệu đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc thu phí để lấy tiền, còn đảm bảo an toàn hay không chủ đầu tư không chịu trách nhiệm. Bởi mỗi một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Bùi Bá Dũng, Trưởng Văn phòng LS Hoàng Hà Quảng Nam cho rằng: "Một điều dể nhận thấy và đang gây bức xúc dư luận trong nhiều năm qua tại hàng loạt dự án BOT đường bộ là chủ đầu tư, ban QLDA, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT được Bộ Giao thông giao quản lý thu phí các tuyến đường chưa hề quan tâm đến an toàn giao thông khi đường bị hư hỏng nhưng không sửa chữa khắc phục kịp thời vẫn thu phí. Điều này đã khẳng định việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ với chất lượng phục vụ chưa tương xứng. Đây là vấn đề cần được làm rõ!!!”
Theo Luật sư Bùi Bá Dũng, việc sữa chữa những hư hỏng trên các tuyến đường BOT như đường cao tốc theo qui định thời hạn không quá một ngày. Còn các tuyến đường khác là không quá 5 ngày.
“Nếu quá thời hạn mà công tác sửa chữa chưa được thực hiện, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu chất lượng thì tổ chức dừng thu phí đối với các tuyến đầu tư theo hình thức PPP hoặc báo cáo Bộ GTVT dừng thu phí đối với trường hợp các tuyến được đầu tư theo hình thức khác như BOT…”, Luật sư Dũng nói.
Luật sư Dũng dẫn những qui định của Tổng cục Đường bộ, đối với đường cao tốc có từ 10% chiều dài trở lên có vệt hằn lún, trong đó vị trí lún sâu lớn hơn hoặc bằng 2,5cm; tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu lớn hơn hoặc bằng 2,5cm trên 200m, trong đó có một, một số vị trí lún sâu lớn hơn hoặc bằng 5cm; tuyến đường có tổng chiều dài các vệt lún sâu lớn hơn hoặc bằng 5cm trên 100m thì sẽ bị dừng thu phí.
Ngoài các vi phạm nêu trên, các hư hỏng, xuống cấp khác về sơn kẻ trên mặt đường; hư hỏng cầu; hệ thống thoát nước mặt đường, cống, rãnh; hệ thống biển báo, cọc tiêu, hộ lan; công tác phát quang cây cối, cắt cỏ; lề đường theo mức độ đã quy định phải tạm dừng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để khắc phục. Khi nào khắc phục xong mới cho thu phí trở lại.
Theo báo cáo của Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trên tuyến đường mặc dù đã được sửa chữa nhưng vẫn còn nhiều tồn tại đã được phát hiện đến nay vẫn chưa khắc phục.
Vậy việc cho thu phí trở lại trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi liệu đã đảm bảo an toàn và đúng với qui định? Câu trả lời xin nhường cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.