Tình trạng sạt lở, sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL.
Sạt lở mất hàng trăm ha đất mỗi năm
Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, Chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam: khu vực ĐBSCL có hơn 500 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 500 km. Nếu như trước đây khu vực này “đất lấn” ra sông, ra biển thì nay đang đang diễn ra trái ngược, mỗi năm mất đi hàng 100 ha đất. Dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 1 triệu người bị tác động trực tiếp bởi xói lở ven bờ và mất đất ở ĐBSCL.
Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái cho biết: ĐBSCL được phù sa bồi đấp hình thành từ hơn 6.000 năm nay. Trước đây do bồi hơn lở nên mỗi năm đất của vùng này tiến ra biển đông 16 mét và tiến về mũi Cà Mau 26 mét. Nhưng hiện nay tình trạng lở thắng thế nên đất đai không nở mà còn teo tóp và không còn phát triển theo quy luật tự nhiên bên lở bên bồi nữa.
Theo ông Thiện, sạt lở gia tăng là do mất cân bằng hệ thống thiếu phù sa và cát sỏi-hai chất liệu chính bồi đấp làm nên vùng đồng bằng này mà nguyên nhân chính là do việc xây dựng nhiều đập thủy điện giữ phù sa ở thượng nguồn và nạn khai thác cát sỏi quá mức trên dòng sông.
“Hệ lụy của việc khai thác cát quá mức khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra “hàm ếch” rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông. Việt Nam nên dừng khai thác cát sông.” - ông Thiện khuyến nghị..
Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, những năm qua tình trạng sạt lở ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL diễn ra khó lường, ngày càng gia tăng cả về phạm vi và tốc độ. Qua khảo sát ban đầu có trên 600 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800 km, đe dọa trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư và công trình hạ tầng ven sông, ven biển.
Đặc biệt, những năm gần đây, sạt lở ở khu vực ĐBSCL diễn ra bất thường, không theo một quy luật nhất định. Riêng sạt lở bờ sông có đến 513 điểm có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 520km. Đặc biệt, các khu vực thuộc các tỉnh phía thượng nguồn sông Mê Công như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, thường xảy ra các đợt sạt lở bất ngờ, nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân và nhiều công trình hạ tầng quan trọng khác.
Sụt lún báo động
ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn nhất thế giới nhưng đất đai ở đây chỉ ở ngay trên mặt nước biển và luôn bị đe dọa bởi nước biển dâng. Một mối đe dọa khác mới được quan tâm trong những năm gần đây đó là nền đất đang bị sụt lún với tốc độ nhanh hơn. Ở một số nơi tốc độ sụt lún còn cao hơn 5-7 lần so với mực nước biển dâng.
Từ năm 2015, TS Dương Văn Ni-Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên-ĐH Cần Thơ đã tiến hành thực nghiệm sụt lún bằng phương pháp đóng cọc dài 42 mét trong lòng đất và đo thông số chênh lệch 2 lần/năm để xác định mức sụt lún. Kết quả đo đạc tính toán trong 4 năm xác định được mức sụt lún 1,7cm/năm ở tầng nông và 1cm/năm ở tầng sâu.
Theo PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu- ĐH. Cần Thơ, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu phối hợp với Trường Đại học Utretch, Hà Lan cho thấy, độ lún trung bình ở khu vực ĐBSCL từ 1- 2cm mỗi năm, nơi có độ lún lớn nhất là khu vực Bán đảo Cà Mau.
“Những nguyên nhân chính khiến sụt lún diễn ra nhanh hơn là do tầng sâu của khu vực ĐBSCL chủ yếu là lớp cát trong khi đó tầng nông có đến 80% là đất yếu nên việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông cũng làm gia tăng sụt lún. Cùng với đó, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm bị khai thác quá mức cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún. Khi nền đất bị dịch chuyển sẽ kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển. Sụt lún và sạt lở ở ĐBSCL là vấn đề cần quan tâm giải quyết hàng đầu” - TS Trung khuyến cáo.
Một nghiên cứu vừa được công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) trong khuôn khổ chương trình thoát nước và chống ngập đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ cũng cho ra kết quả tương tự.
Ông Olaf Neusser thuộc Tổ chức GIZ cho biết, để đưa ra những số liệu này, nhóm nghiên cứu đã dùng phương pháp sử dụng dữ liệu vệ tinh, thu thập dữ liệu số lượng lớn với độ chính xác cao bao trùm toàn bộ vùng ĐBSCL với 750.000 điểm, 180 chuỗi thời gian, 135 triệu giá trị từ năm 2014-2019.
Kết quả cho thấy khu vực này đang sụt lún với tốc độ bình quân 1cm/năm, ở khu vực đô thị tốc độ sụt lún gấp 3-5 lần, trong khi đó tốc độ nước biển dâng chỉ là 0,4cm/năm. Những tòa nhà có phần móng chắc và sâu thì ít sụt lún hơn so với những những tòa nhà nhỏ có móng cạn. Khu vực bán đảo Cà Mau đang bị sụt lún nhiều hơn những nơi khác. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 5 bước quản lý sụt lún đất gồm: đo lường sụt lún đất, nguyên nhân gây sụt lún đất, tác động của tình trạng sụt lún đất, giảm thiểu tốc độ sụt lún đất và thích ứng với sụt lún đất.
>>> Mời độc giả đón đọc Kỳ 3: Giải pháp phòng chống.
Có thể bạn quan tâm
14:31, 15/02/2020
15:00, 17/02/2020
15:51, 19/02/2020
16:41, 19/02/2020
05:00, 20/02/2020