Sau COVID-19, khởi nghiệp lĩnh vực nào dễ thành công?

Theo DNSG 23/11/2020 12:26

Các ngành nghề, lĩnh vực giúp giải quyết, khắc phục những bất tiện, khó khăn do COVID-19 hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, kể cả sau khi "cơn bão" COVID-19 qua đi.

Thất nghiệp, phá sản có lẽ là thực tế khó tránh khỏi trong thời kỳ COVID-19. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng theo sau đại dịch cũng mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn để khởi nghiệp hay khởi sự kinh doanh.

Các ngành nghề, lĩnh vực giúp giải quyết, khắc phục những bất tiện, khó khăn do COVID-19 hứa hẹn sẽ sở hữu sức tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, kể cả sau khi "cơn bão" COVID-19 qua đi.

Theo Jeff Lawson - nhà sáng lập, CEO của Twilio - một công ty tại Mỹ chuyên cung cấp nền tảng giao tiếp bằng dịch vụ đám mây được thành lập trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính 2008, bối cảnh hiện tại vẫn có thể là thời điểm thích hợp để khởi nghiệp hay khởi sự kinh doanh.

Lawson cho biết, cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm từng khiến tất cả thỏa thuận mà anh cùng các đồng sự nỗ lực thương lượng trong nhiều tháng hoá ra 'công cốc'. Dù vậy, từ những gì đã trải qua, Lawson đúc kết: "Nếu có quyết tâm và đang thực sự giải quyết vấn đề cho khách hàng, thì đó là tất cả những gì mà bạn cần, dù thị trường có ra sao đi nữa".

Vị CEO cũng bổ sung rằng, dù khách hàng có đang phải giảm chi tiêu do khủng hoảng thì họ vẫn sẵn sàng để chi trả cho một dịch vụ có giá trị.

Đồng quan điểm với Lawson, Eric Ries - một trong những người tiên phong cho phong trào khởi nghiệp tinh gọn, tác giả sách The Lean Startup (Khởi nghiệp Tinh gọn), cho rằng COVID-19 đã mang đến một giai đoạn bất ổn kéo dài, đe doạ công việc của nhiều người, và làm đảo lộn hầu hết cuộc sống hằng ngày của chúng ta, song cũng mở ra hàng loạt cơ hội kinh doanh mới.

"Thời điểm tốt nhất để trở thành một doanh nhân là khi mọi người cố gắng tìm lối thoát. Thế nên, thời điểm tuyệt vời để khởi sự kinh doanh đã sắp đến", Ries nói.

Theo đó, trong bối cảnh thế giới vẫn đang áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, các ngành nghề, lĩnh vực giúp giải quyết, khắc phục những bất tiện, khó khăn do đại dịch hứa hẹn sẽ sở hữu sức tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, kể cả sau khi "cơn bão" COVID-19 qua đi. Và, dưới đây là 3 trong số các lĩnh vực ấy.

Công nghệ làm giảm tiếp xúc trực tiếp

Do đặc tính lây lan của SARS-CoV-2, một trong những cơ hội kinh doanh lớn nhất đến từ việc giải quyết bài toán tiếp xúc trực tiếp tại không gian công cộng, như cửa hàng bán lẻ, hay phòng giao dịch... Thế nên, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành bán lẻ đã và đang tiến hành nâng cấp hệ thống P.O.S., cho phép khách hàng thanh toán bằng điện thoại hay thẻ giao dịch không tiếp xúc.

Theo Laura Kennedy - trưởng nhóm phân tích bán lẻ tại CB Insights, năm nay, xu hướng phát triển hệ thống bán hàng "không thu ngân", như hệ thống Amazon One áp dụng tại Amazon Go, đang nhận được sự quan tâm hơn cả. Do đó, công nghệ làm giảm tiếp xúc trực tiếp, từ thanh toán, giao dịch trực tuyến, ví điện tử, logistics bằng drone, cho đến chatbot, nhân viên ảo từ trí tuệ nhân tạo, hứa hẹn sẽ là "mảnh đất màu" cho startup.

Ngoài ví dụ là Amazon Go, nhiều DN khác tại Mỹ cũng đã chuyển sang xu hướng xây dựng cửa hàng theo mô hình "tự phục vụ". Đơn cử như Vengo Labs với các máy bán hàng "thông minh", hay quầy bán hàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Valyant AI's. Trong khi các máy bán hàng tự động của Vengo có màn hình cảm ứng và chức năng thanh toán điện tử, quầy bán hàng của Valyant AI's lại tạo ra một "nhân viên ảo" để nhận lời đặt hàng của khách đến cửa hàng.

Theo bà Kennedy, dù đã xuất hiện và nhận được sự quan tâm trong thời gian qua, song các sản phẩm công nghệ vừa nêu chỉ thực sự có "đất diễn" hơn nhờ vào chất xúc tác mang tên COVID-19. Dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục được các nhà bán lẻ, cũng như nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực khác, gồm tài chính - ngân hàng, giải trí,... theo đuổi và áp dụng mạnh mẽ trong tương lai.

Chăm sóc sức khỏe từ xa (TeleHealth)

TeleHealth, hay chăm sóc sức khoẻ từ xa, là lĩnh vực ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc trong nhu cầu khi đại dịch bùng phát. Vốn đã rất "nhộn nhịp" trong thời gian qua, COVID-19 và các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội kéo theo, càng khiến cho TeleHealth trở thành lựa chọn thích hợp, thay thế cho các cuộc gặp trực tiếp với bác sĩ.

Riêng tại Mỹ, chỉ trong 6 tuần, từ tháng 2-4/2020, các startup thuộc lĩnh vực này đã huy động được tổng cộng 190 triệu USD vốn. Trong khi đó, công ty nghiên cứu thị trường IBISWorld dự báo, tổng doanh thu của chăm sóc sức khoẻ từ xa sẽ tăng hơn 8%/năm trong 5 năm tới.

Hiện, tổng doanh thu của lĩnh vực này tại Mỹ là 3,2 tỷ USD. Kể cả sau khi vắc-xin ngừa COVID-19 trở nên phổ biến, thì sự thuận tiện, an toàn và ưu điểm "hạn chế tiếp xúc" vẫn sẽ là các yếu tố giúp TeleHealth "hút" người dùng.

Sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ cho lĩnh vực này khá rộng, từ chăm sóc sức khoẻ tổng quát qua mạng, tư vấn tâm lý từ xa, công nghệ bảo hiểm sức khỏe, dịch vụ đặt thuốc, kit xét nghiệm tại nhà, cho đến dụng cụ y tế và các ứng dụng điện thoại giúp theo dõi bệnh nhân từ xa.

Công nghệ dành cho giáo dục (EdTech)

Thích ứng với diễn biến dịch bệnh, giáo dục - đào tạo đã là lĩnh vực buộc phải số hoá nhanh chóng. Thêm vào đó, theo dự báo của CB Insights, đào tạo trực tuyến sẽ tiếp tục duy trì vị thế là cột trụ cốt lõi trong ngành giáo dục, kể cả khi các lớp học truyền thống được mở lại.

Theo số liệu của công ty phát triển phần mềm Rootstrap, từ tháng 3-7/2020, tổng doanh thu của DN cung cấp sản phẩm EdTech tại Mỹ nói riêng đã tăng hơn 300%. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo ước tính của một công ty nghiên cứu thị trường, quy mô thị trường EdTech không dưới 2 tỷ USD, và quy mô thị trường E-learning toàn cầu năm nay nhiều khả năng sẽ đạt 252 tỷ USD. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể chiếm 54% thị trường đại học trực tuyến toàn cầu.

Với hơn 40% dân số thế giới có kết nối Internet cá nhân, và phần lớn người dùng là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, thị trường đào tạo trực tuyến đang rất tiềm năng với quy mô lớn, và tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 40% mỗi năm.

Hiện, các sản phẩm và dịch vụ EdTech phổ biến có thể kể đến là, nền tảng cho giáo viên soạn giáo án và theo dõi tiến độ học tập, gia sư trực tuyến, công cụ bổ trợ như game toán học, hay các khóa học trực tuyến quy mô lớn (MOOCs) dành cho đại học.

Dù các nhu cầu cơ bản trong lĩnh vực này đã được đáp ứng, song nhiều khó khăn và thách thức liên quan đến chi phí, quyền riêng tư, khả năng truy cập mạng Internet, vẫn tồn tại; đồng nghĩa, không gian phát triển dành cho startup vẫn còn. Tuy nhiên, cần biết rằng, để theo đuổi các ý tưởng mới chưa bao giờ là dễ dàng.

Trong đó, có thể kể đến một số vấn đề cụ thể mà startup sẽ đối mặt, như làm sao duy trì tương tác và động lực học tập cho học viên online; làm sao học khi không có thiết bị kết nối Internet hoặc đường truyền bị nghẽn; làm sao đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư... Các câu hỏi này sẽ là động lực giúp mang đến nhiều giải pháp đột phá và sáng tạo từ startup.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sau COVID-19, khởi nghiệp lĩnh vực nào dễ thành công?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO