Sau Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways cũng xin Chính phủ "giải cứu"

Diendandoanhnghiep.vn Các hãng hàng không trong nước như Vietjet Air và Bamboo Airways đều muốn Nhà nước tăng cường hỗ trợ thông qua việc kéo dài thời gian cũng như nâng mức giảm thuế, phí.

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), ngành hàng không thế giới đã và sẽ đối diện với 2 kịch bản: mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại; và mô hình chữ U (giảm xuống đáy và kéo dài từ 3 - 5 tháng) đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48 - 71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Hàng không Việt Nam từng bước phục hồi theo chữ V, Cục Hàng không đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh. Dự kiến, thị trường hàng không mất tới 3 năm mới phục hồi đạt như năm 2019.

Ngày 17/11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo qui định của Luật Chứng khoán, nhưng được miễn trừ điều kiện hoạt động kinh doanh phải có lãi năm liền trước khi chào bán.

Các hãng hàng không trong nước đều muốn Nhà nước tăng cường hỗ trợ thông qua việc kéo dài thời gian cũng như nâng mức giảm thuế, phí. Hai hãng bay tư nhân là Vietjet Air và Bamboo Airways còn mong được hỗ trợ thanh khoản tương tự như Vietnam Airlines.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho biết hãng này đã lỗ 2.400 tỉ đồng trong 9 tháng qua, dù đã bán, chuyển nhượng tài sản tích luỹ trong nhiều năm, giảm lương tới 50 - 70% với quản lý cấp cao, trung và chỉ trả mức thu nhập tối thiểu 8 - 10 triệu đồng với người lao động. Ước tính, Vietjet đang thiếu hụt dòng tiền khoảng 7.000 - 10.000 tỉ đồng.

Nêu ra ví dụ hàng không các nước đều nhận được hỗ trợ rất lớn của Chính phủ như chính quyền các nước đã đưa ra rất nhiều giải pháp để cứu nguy cho các hãng hàng không như Thái Lan chỉ định một ngân hàng quốc doanh để cho vay các hãng hàng không, lãi suất vay ưu đãi chỉ 2% một năm. Tuy nhiên gói vay được ưu tiên dành cho các hãng thuộc sở hữu trong nước nên Vietjet Thái Lan không tiếp cận được.

Chính quyền Hong Kong tung gói cứu trợ gần 1 tỉ USD để hoàn toàn miễn phí điều hành bay và phí đỗ máy bay. Ngoài ra, Hong Kong còn ứng ra 2 tỉ USD để mua 500.000 vé máy bay, qua đó tăng thanh khoản tạm thời cho các hãng hàng không. Về sau, chính quyền sẽ bán lại vé máy bay này cho người tiêu dùng.

Với các hãng bay Việt Nam, lãnh đạo Vietjet cho biết thách thức lớn nhất là về thanh khoản.

"Các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn về thanh khoản trong 2 - 3 năm tới do sụt giảm mạnh về doanh thu. Vietnam Airlines đã được Quốc hội phê duyệt phương án cho phép Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn, gia hạn để các ngân hàng thương mại cho vay. Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn vay hạn mức 4.000 tỉ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 - 5 năm. Sau đó, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi từ 2023 - 2025", bà Phương nói.

"Chính phủ Thái Lan đã giảm 96% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Quốc hội Việt Nam đã giảm 30% thuế này đến hết năm 2020. Vietjet đề xuất tiếp tục giảm 70% tới hết năm 2021 để doanh nghiệp hàng không vượt qua khó khăn", bà Phương nói đồng thời cho rằng "Vietjet mong muốn được Chính phủ hỗ trợ để cân bằng sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước với nhau cũng như giữa các hãng trong nước với các hãng nước ngoài".

Về phía Bamboo Airways, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Hải cho biết, quy mô hãng bay này nhỏ bằng 1/3 - 1/4 so với Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thiệt hại do Covid-19 cũng không kém. Hãng này cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.

"Bamboo Airlways đã kiến nghị hỗ trợ lên nhiều cấp. Chúng tôi đồng ý với kiến nghị như Vietjet, đề xuất Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng Bamboo Airways bằng hình thức cho vay tái cấp vốn cho các hãng hàng không. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản" - ông Hải kiến nghị.

Ngoài ra, lãnh đạo Bamboo Airways còn đề nghị Nhà nước tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm đối với giá dịch vụ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, miễn giảm thêm các loại thuế phí, giãn hoãn thời gian nộp.

Các hãng hàng không đều chung kiến nghị kéo dài thời gian giảm 50% phí cất hạ cánh, giá dịch vụ bay đến hết năm 2021; giảm 70% thuế môi trường. Ngoài ra, mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế ở một số nước đã kiểm dịch tốt, không cấp phép bay cho các hãng hàng không cho tới năm 2024 (chỉ cấp phép hãng bay khi tự chủ nguồn lực, có kế hoạch bay và tiềm lực tài chính rõ ràng).
Các hãng cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho vay lãi suất 0% để trả lương cán bộ, công nhân viên...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Sau Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways cũng xin Chính phủ "giải cứu" tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714178165 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714178165 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10