Phối hợp quản lý Nhà nước tại khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) để nâng cao hiệu lực, hiệu quả cụ thể hoá pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động.
>>Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần các tiêu chí rõ ràng
Tăng cường quy chế phối hợp quản lý Nhà nước
Hiện nay, dù đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, song vẫn còn có ý kiến cho rằng, nhiều KCN, KKT ở các địa phương thời gian qua vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng; chưa sát yêu cầu và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của địa phương và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Tại nhiều nơi, vẫn còn tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí nguồn tài nguyên. Một số KCN, KKT thu hút đầu tư thấp do công tác GPMB chậm, chồng chéo về quy hoạch, cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào khu công nghiệp hạn chế...
Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND về quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nội dung phối hợp quản lý Nhà nước tại Khu Kinh tế Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh, gồm: Quản lý quy hoạch, xây dựng, đầu tư, xúc tiến đầu tư; quản lý đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuê mặt nước trong KKT; quản lý công tác bồi thường GPMB, hỗ trợ, tái định cư; quản lý môi trường, tài nguyên khoáng sản; quản lý doanh nghiệp và thương mại; quản lý lao động; quản lý quốc phòng, an ninh trật tự và công tác thanh tra, kiểm tra.
Các cơ quan, đơn vị và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt các nội dung của quy chế. Giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam là cơ quan đầu mối có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc hoặc nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế thì các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Về quản lý đầu tư, một cán bộ của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư phát triển KCN, KKT. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch và các ban ngành phối hợp với Ban quản lý xây dựng chương trình, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Ngoài ra, còn phối hợp xây dựng tài liệu xúc tiến, quảng bá hình ảnh KCN, KKT ở Nghệ An.
Trước đó, vào tháng 2/2022, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành quy chế phối hợp quản lý Nhà nước tại Khu Kinh tế cửa khẩu, các KCN, các cửa khẩu ngoài KKT giữa Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
>>Chờ thông tư hướng dẫn tiêu chí phân loại các khu công nghiệp
Lĩnh vực phối hợp quản lý gồm: Quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, đầu tư, lao động, thương mại; quản lý thu phí, lệ phí và dịch vụ, đảm bảo quốc phòng, an ninh trật tự, khoa học và công nghệ; điều hành hoạt động cửa khẩu theo Quyết định số 45/2013/QĐ-TTg ngày 25/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ đối với cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, quản lý hoạt động đối ngoại và các nội dung phối hợp khác.
Tạo khung pháp lý để phát triển hệ thống KCN, KKT
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án, sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, quản lý lao động,… trong các KCN, KKT được nhiều địa phương chú trọng.
Nhiều tỉnh đã xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với KCN, KKT trên địa bàn nhằm đảm bảo tính thống nhất, đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đảm bảo cho hoạt động quản lý Nhà nước trong KCN, KKT thống nhất, tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong sản xuất kinh doanh cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Thủ tục hành chính cũng được giải quyết theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” và “một cửa điện tử”, nhằm rút ngắn thời gian, góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước đối với KCN, KKT.
Mới đây, ngày 28/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT. Đây là khung pháp lý rất quan trọng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với KCN, KKT.
Theo đó, KKT trên địa bàn cấp tỉnh phải đáp ứng các điều kiện: Thuộc khu vực có tiềm năng, lợi thế đặc biệt quan trọng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế - xã hội so với các khu vực khác để thu hút nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sản xuất, kinh doanh; có khả năng thu hút dự án, công trình đầu tư với quy mô lớn, đặc biệt quan trọng và có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng…
Ban quản lý KCN, KKT, khu chế xuất là cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp đối với KCN, KKT trên địa bàn theo quy định; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong KCN, KKT…
Thời gian qua, các KCN, KKT đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, cung cấp nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến giữa năm 2021, cả nước có 575 KCN trong quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích khoảng 219.500 ha. Các KCN được thành lập chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng.
Có 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853.000 ha. Bên cạnh đó, có 26 KKT cửa khẩu đã được đưa vào quy hoạch, trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số KKT cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao; đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến KKT cửa khẩu.
Lũy kế đến cuối tháng 4/2021, các KCN, KKT đã thu hút được 10.148 dự án trong nước và 10.921 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,52 triệu tỷ đồng và 230,2 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đầu tư theo phương thức PPP
20:10, 05/07/2022
Startup Việt hút hàng triệu USD vốn đầu tư
04:29, 05/07/2022
Rào cản cho nhà đầu tư dự án PPP
03:40, 03/07/2022
Những món đầu tư lạ
02:00, 02/07/2022
Sunshine Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của TTF Group
10:00, 02/07/2022