Sau khi Tòa án tối cao Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm các giao dịch tiền điện tử, đất nước Nam Á này đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính công nghệ này
Vào đầu tháng 3 vừa qua, sau khi Tòa án tối cao của Ấn Độ đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt về việc dỡ bỏ lệnh cấm hai năm đối với các giao dịch tiền điện tử, đất nước Nam Á này đã chứng kiến sự phát triển của các doanh nghiệp tiền điện tử “cây nhà lá vườn”, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài. Đây được ví như một mùa xuân hồi sinh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính công nghệ này.
Nhưng dường như quá phấn khởi sau một kỳ ngủ đông dài, nhiều doanh nhân và nhà đầu tư đang đẩy mạnh hoạt động của họ trong lĩnh vực tiền ảo, bất chấp những lo ngại về một lệnh cấm khác, hay một số các hạn chế đối với giao dịch tiền điện tử. Theo báo cáo truyền thông tại Ấn Độ, các quan chức và thành viên nội các được cho là đang thảo luận một dự luật để đệ trình lên quốc hội trước tháng 11. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ điều chỉnh phạm vi hoạt động, hoặc có thể cấm hoàn toàn tiền điện tử.
Bất chấp những lo ngại, các nhà đầu tư Ấn Độ đang đổ xô trở lại thị trường giao dịch tiền điện tử. Theo UsefulTulips.org - một trang web chuyên thông tin về tiền điện tử, số lượng các giao dịch hàng tháng giữa đồng rupee Ấn Độ và Bitcoin - loại tiền điện tử lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường, đã tăng gần gấp đôi từ tháng 3 đến tháng 7 tại hai nền tảng giao dịch tài sản tiền điện tử ngang hàng chính là LocalBitcoins của Phần Lan và Paxful của Mỹ.
Các nền tảng giao dịch trong nội địa Ấn Độ cũng mở cửa trở lại ngay sau quyết định của tòa án. Cụ thể, CoinMarketCap sở hữu hai sàn giao dịch tiền điện tử lớn của Ấn Độ là CoinDCX và WazirX, đều có trụ sở tại Mumbai - đang có khối lượng giao dịch hàng tháng vào khoảng 8 triệu đến 12 triệu USD.
Mặc dù con số này là rất nhỏ so với khối lượng giao dịch hàng ngày từ 100 triệu đến 15 tỷ USD tại các sàn giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các số liệu trên cho thấy sự trở lại nhanh chóng của các nhà đầu tư Ấn Độ.
Rất nhanh chóng, sàn CoinDCX đã thu hút các khoản đầu tư mới từ một số nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm Bain Capital của Mỹ. Ngay sau phán quyết cho phép mở lại các giao dịch tiền điện tử, sàn này đã huy động được tổng cộng 5,5 triệu USD trong hai vòng vào tháng 3 và tháng 5 vừa qua.
"Ngành công nghiệp tiền điện tử ở Ấn Độ cuối cùng cũng nhận được sự công nhận xứng đáng từ các tập đoàn và nhà đầu tư toàn cầu", Sumit Gupta – nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của sàn CoinDCX chia sẻ trong một thông cáo báo chí về thương vụ gây quỹ hồi tháng Năm vừa qua của Sàn này. Vị CEO này mô tả các khoản đầu tư là "một bước đi tự tin" của công ty về việc "đưa loại tài sản tiền điện tử đến một thị trường Ấn Độ chưa được khai thác rộng rãi."
Trong khi đó, có lẽ đã dự đoán được rằng lệnh cấm giao dịch tiền điện tử tại Ấn Độ sẽ sớm được dỡ bỏ, mạng trao đổi tiền điện tử lớn nhất thế giới - Binance của Malta đã mua lại WazirX vào tháng 11/2019. Hai sàn giao dịch này đã kết nối liên thông hệ thống với nhau để chủ tài khoản của mỗi sàn giao dịch có thể đăng nhập vào nền tảng của nhau và thực hiện lệnh giao dịch.
Ngoài ra còn có các công ty khởi nghiệp tiền điện tử mới nổi tại Ấn Độ cũng đã gia nhập cuộc chơi. Cụ thể, TradeHorn Exchange và BitPolo Technologies, cả hai đều có trụ sở tại Bangalore đều đã ra mắt sàn giao dịch vào tháng 6 vừa qua. Cả hai công ty này đều nhắm mục tiêu đến những người mới tham gia vào thị trường tiền điện tử.
Theo thông tin từ chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, New Delhi hiện đang xem xét dự thảo dự luật, sau đó sẽ xác định chính sách cơ bản của Ấn Độ đối với tài sản là tiền điện tử. New Delhi vẫn để ngỏ khả năng là nước này sẽ cấm hoàn toàn tiền điện tử.
Tuy nhiên, ngành công nghệ hùng mạnh của Ấn Độ phản đối khả năng thông qua dự luật cấm giao dịch tiền điện tử trở lại. Ngay sau phán quyết của Toà án tối cao vào tháng 3, Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia Ấn Độ đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này. "Chúng tôi tin rằng việccấm công nghệ không phải là giải pháp. Một khuôn khổ dựa trên rủi ro phải được phát triển để điều chỉnh và giám sát tiền điện tử và mã thông báo", tuyên bố của Hiệp hội nêu rõ.
Vào tháng trước, Công ty CNTT lớn nhất của Ấn Độ - Tata Consultancy Services, đã công bố nền tảng giao dịch tiền điện tử cho các doanh nghiệp, trong khi đối thủ của hãng là Infosys vào tháng 5 đã bắt đầu hỗ trợ nền tảng giao dịch tài chính Bangalore công nghệ dựa trên blockchain của Matic Network.
Nếu tất cả các loại tài sản tiền điện tử bị cấm ở Ấn Độ, việc này sẽ cản trở sự phát triển của hầu hết các công nghệ và doanh nghiệp liên quan đến blockchain do các mã thông báo tiền điện tử, thường được gọi là "altcoin", đóng một vai trò thiết yếu trong việc trả tiền cho các nhà phát triển. Khi Ấn Độ khao khát trở thành một trong những nhà lãnh đạo CNTT thế giới, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần xem xét các quyết định của họ ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp công nghệ mới mẻ này.
Bất kể dự luật tới đây được phán quyết như thế nào, điều này gần như chắc chắn sẽ gây ra một cuộc tranh luận lớn liên quan đến các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân tiền điện tử, nhà công nghệ, ngành công nghệ và học giả khi nó được công khai trong những tuần tới. Kết quả của cuộc tranh luận đó sẽ xác định liệu Ấn Độ có đóng một vai trò quan trọng trong công nghệ mới của blockchain và tài sản tiền điện tử, có thể tạo ra một ngành công nghiệp mới và hàng nghìn việc làm hay không.
Có thể bạn quan tâm
Tiền điện tử tác động thế nào đến thị trường tài chính thế giới?
05:30, 13/08/2020
Thị trường tiền điện tử có tín hiệu khởi sắc trở lại
10:08, 11/03/2020
EU nhất trí không cấp phép lưu hành tiền điện tử Libra của Facebook
12:00, 06/12/2019
Thêm startup châu Á nhập nhóm công ty đam mê tiền điện tử ở Thụy Sỹ
04:15, 28/11/2019