Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường chuyển đổi sản xuất, khai thác hệ sinh thái đa dạng với 3 vùng mặn, lợ ngọt, qua đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn.
>> Sóc Trăng đồng hành cùng doanh nghiệp
Báo cáo của ngành nông nghiệp Sóc Trăng tại Hội nghị Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho thấy, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, như: đầu tư thủy lợi cho vùng sản xuất nhất là đầu tư vùng nuôi tôm nước lợ; dự án phát triển lúa đặc sản; dự án phát triển cây ăn trái; dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa…
Tỉnh cũng đã cơ cấu lại sản xuất theo hướng các ngành hàng chủ lực "thủy sản, lúa đặc sản, cây ăn trái", từ đó đã hình thành các vùng xuất tập trung có qui mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, hướng đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết tiêu thụ và chế biến, xuất khẩu đạt được thành tựu đáng kể.
Tại Sóc Trăng, sản lượng lúa theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị giá tăng, hàng năm đạt trên 2 triệu tấn. Trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93%. Gạo ST24 đạt giải "Top 3 gạo ngon nhất thế giới" năm 2017 và gạo ST25 đạt giải "Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019.
Lĩnh vực nuôi trồng ngày càng phát triển, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt hiệu quả cao, với sản lượng đến nay đạt trên 375.000 tấn, tăng 52.657 tấn so với năm 2020; trong đó tôm nước lợ 210.586 tấn.
Ngoài ra, chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, đến nay đàn bò phát triển trên 54.500 con; trong đó bò sữa gần 6.800 con, sản lượng sữa hàng năm trên 13.000 tấn.
Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1.500 triệu USD, tăng 385 triệu USD so với năm 2020; trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 90%. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên một ha đất nông nghiệp năm 2023 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 48 triệu đồng/ha so với năm 2020.
Bên cạnh đó, tỉnh còn hình thành được các vùng trồng cây ăn trái tập trung với nhiều loại trái cây xuất khẩu như: vú sữa, sầu riêng, xoài, nhãn, bưởi...
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, mặc dù có những lợi thế nhất định về điều kiện tự nhiên và nguồn tài nguyên vùng ven biển, nhưng ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đang đối diện với nhiều rủi ro, ngày càng phức tạp trước tình hình biến đổi khí hậu như: sạt lở đê biển, đê sông, khu vực các cồn trên sông Hậu, mưa bão lớn, cục bộ…. dẫn đến nguy cơ mất an toàn các công trình ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất...
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã chia sẻ các bài tham luận về canh tác thông minh trong sản xuất lúa có chất lượng cao, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; thực trạng và giải pháp chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi tôm nước lợ; định hướng phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; một số mô hình sinh kế nuôi trồng thủy sản đặc thù thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL và tỉnh Sóc Trăng…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, sản xuất nông nghiệp đối mặt rất nhiều thách thức do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Do đó, để sản xuất nông nghiệp bền vững, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều nghị quyết về chỉ đạo phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực.
Sóc Trăng đang từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng chuỗi giá trị, tổ chức tốt khâu liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, tập trung huy động tốt các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất bền vững; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khoa học công nghệ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm...
Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có thông tin trực tuyến, tổng thể toàn ngành, phục vụ quy hoạch, quản lý, gắn kết chuỗi nông sản với du lịch.
Có thể bạn quan tâm
Sóc Trăng xác lập Kỷ lục Bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST
21:56, 22/11/2023
Độc đáo du lịch Sóc Trăng
07:00, 22/11/2023
Sóc Trăng chuyển đổi số toàn diện
15:36, 09/11/2023
Sóc Trăng hướng đến tăng trưởng bền vững
15:40, 28/10/2023
Sóc Trăng đồng hành cùng doanh nghiệp
23:55, 13/10/2023
Xây dựng Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của ĐBSCL
15:36, 09/10/2023