Ô tô - Xe máy

Sớm ban hành chính sách thúc đẩy giao thông xanh

TRẦN THỦY 06/09/2024 00:35

Trong khi nhiều quốc gia lân cận đã ban hành chính sách đồng bộ và hấp dẫn với phương tiện giao thông xanh thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, địa phương liên quan để rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh, đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và người sử dụng.

Trong khi nhiều quốc gia lân cận đã ban hành chính sách đồng bộ và hấp dẫn với phương tiện giao thông xanh thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có.

Câu chuyện của Trung Quốc

Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Ô tô TMT cho rằng, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc về phát triển xe xanh. Từ năm 2009 Trung Quốc đã coi chuyển đổi sang xe điện là mục tiêu của Quốc gia. Từ đó đã xây dựng những chính sách ưu đãi, khuyến khích đồng bộ và hấp dẫn. Trong các chính sách hỗ trợ về xe điện nói chung, chính sách đem lại hiệu quả nhanh chóng nhất là trợ giá. Chính sách này bao gồm hai phần: trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất và trợ giá cho người mua xe điện.

xe1.jpg
Ô tô điện mini, phương tiện giao thông phổ biến tại thành phố Liễu Châu (Trung Quốc).

Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho doanh nghiệp sản xuất xe điện dựa trên doanh số bán hàng, tức là doanh số bán hàng càng cao thì mức hỗ trợ càng hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có trợ giá với sản phẩm dựa theo dung lượng pin xe điện. Cụ thể, xe ô tô thuần điện có phạm vi chạy trên 400 km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 – 400km được nhận 2.600 USD, dưới 250 km không được trợ giá…Từ năm 2017, Trung Quốc áp dụng một hệ thống chấm điểm dành cho ngành công nghiệp ô tô. Theo đó, các hãng sản xuất chế tạo xe năng lượng sạch, sẽ được thưởng điểm và trừ điểm các hãng chế tạo ra các mẫu xe tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch. Những chiếc ô tô đến từ các hãng sản xuất có điểm số âm, có thể bị loại khỏi thị trường.

Với người tiêu dùng, Chính phủ Trung Quốc đã có chương trình hỗ trợ kéo dài như: khách hàng mua xe điện sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp cao nhất lên tới 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 197 triệu đồng). Bên cạnh đó, còn có rất nhiều chương trình ưu đãi thuế, chẳng hạn như chương trình giảm thuế 10%, đối với các giao dịch mua xe năng lượng sạch có giá dưới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng)…

Với xe điện mini lưu thông trong đô thị, đây là phân khúc quan trọng, có ảnh hưởng rộng lớn, làm thay đổi thói quen di chuyển của người dân, tại nhiều thành phố ở Trung Quốc còn được ưu đãi hơn nữa. Chẳng hạn như: miễn, giảm phí đỗ xe, cho phép xe điện cỡ nhỏ đi vào đường dành riêng cho xe buýt giờ cao điểm; đỗ trên vỉa hè như xe máy; thưởng tiền cho người dân khi chạy từ 10.000 km trở lên mỗi năm...

Để người dân cảm thấy thoải mái khi sử dụng xe điện, Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng trạm sạc. Đến nay tại Trung Quốc đã có 1,8 triệu điểm sạc xe điện công cộng, nhiều hơn 14 lần so với ở Mỹ. Tập đoàn điện lực Nhà nước là nhà cung cấp lớn các trạm sạc và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho sạc xe.

Việt Nam lại “chậm chân”?

Theo ông Hữu, nếu chính sách ưu đãi, khuyến khích chuyển đổi sang giao thông xanh ban hành chậm, không đủ mạnh, Việt Nam sẽ “chậm chân” trong việc đón bắt cơ hội này.

Dây chuyền lắp ráp ô tô điện tại nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng.
Dây chuyền lắp ráp ô tô điện tại nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng.

Dự báo của Bộ Công Thương cho biết, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và từ 1,5 - 1,8 triệu xe sau năm 2035. Không những thế, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Với lĩnh vực giao thông vận tải, đã có lộ trình cụ thể: đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Với định hướng này, mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho ngành công nghiệp xe điện.

Nếu ngành công nghiệp xe điện không phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu, Việt Nam sẽ tiêu tốn hàng chục tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu xe nguyên chiếc phục vụ người tiêu dùng. Chậm phát triển xe điện có thể gây thất thu ngân sách và ảnh hưởng lớn tới cán cân xuất nhập khẩu trong tương lai. Ngược lại, nếu ban hành sớm chính sách đủ mạnh và đồng bộ, để khuyến khích chuyển đổi sang xe điện, sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện phát triển, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác như: hóa chất, điện-điện tử, nhựa, khai khoáng… Và điều quan trọng nữa là môi trường sẽ trong lành hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sớm ban hành chính sách thúc đẩy giao thông xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO