Sơn La: Phát triển du lịch, ẩm thực, nông nghiệp và dược liệu

NGUYỄN NGỌC 04/06/2022 16:07

Tỉnh Sơn La đã và đang vận dụng đổi mới sáng tạo để phát triển khởi nghiệp nông nghiệp dược liệu gắn với du lịch trong điều kiện thực tại của tỉnh.

>>Techfest Sơn La: Chuyển đổi số Ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2021-2025

Chính sách phát triển nông nghiệp dược liệu gắn với du lịch

Theo thống kê, nguồn tài nguyên dược liệu tỉnh Sơn La có trên 560 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây quý và hiếm có giá trị kinh tế cao như: Đương quy, giảo cổ lam, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, actiso, ý dĩ, hồi, quế, gấc, đinh lăng, ba kích... Cây dược liệu tập trung nhiều nhất ở các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn… Các loài dược liệu có thế mạnh đã và đang được quan tâm bảo tồn, phát triển. Vấn đề bảo tồn và phát triển dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Sơn La dành riêng 250 tỷ đồng từ ngân sách tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao và bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán rừng. Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đồng thời ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua nhiều nghị quyết về ban hành các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020 và các năm tiếp theo làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư dược liệu.

Ngoài ra, ban hành chính sách thu hút nhà đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng, tỉnh Sơn La đồng hành cùng các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cao nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách của tỉnh; giảm thủ tục hành chính; cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp hoạt động đầu tư, hỗ trợ đào tạo lao động; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Hiện, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông sản, thủy sản thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân ứng dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính vào trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Chuyển mạnh diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. 

Khi các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được ban hành kịp thời đã góp phần tạo lòng tin, đồng thuận tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; góp phần từng bước ổn định đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị.

Kết quả phát triển du lịch, ẩm thực nông nghiệp và dược

Sơn La có nhiều tiềm năng tự nhiên để phát triển du lịch cộng đồng. Địa hình, khí hậu, sông ngòi, thảm thực vật, cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp cho du khách tham gia các hoạt động du lịch cùng với người dân ở địa phương.

Ngành Du lịch đã thúc đẩy sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và phần lớn trong số đó hỗ trợ một cách tích cực cho việc cải thiện điều kiện sống của người dân địa phương. Kinh tế du lịch cũng mang lại nguồn thu đáng kể đóng góp vào GDP. Đây được coi ngành kinh tế mũi nhọn và ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Sơn La.

Tại các địa phương, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, chính quyền cơ sở cũng đã chú trọng thông qua, mở rộng các chương trình, dự án, nhiều loại cây dược liệu đã được quan tâm đầu tư nhân rộng tại một số địa phương.

Biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, từ nguồn vốn dành riêng chương trình phát triển cây dược liệu và nguồn vốn các chương trình đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sơn La đã dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đến cuối năm 2021, Sơn La có 14.388 ha cây dược liệu, sản lượng đạt 28.294 tấn.

Nhờ áp dụng tổng thể các kỹ thuật thâm canh tiên tiến, đời sống của người nông dân nhiều địa phương nhờ đó cũng được nâng cao. Tuy nhiên, điểm khó, đó là các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn hiện vẫn còn nhỏ lẻ. Diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu còn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn.

Đến nay, tỉnh Sơn La thực hiện chuyển đổi được trên 60.000 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nâng tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh: 82.805 ha; Toàn tỉnh đã được cấp 241 mã số vùng trồng, diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; Hệ thống tưới (nhỏ giọt, phun…) tiết kiệm nước: 696,3 ha; Nhà lưới, nhà kính, nhà màng: 51 ha; Năm 2021 có trên 40 triệu túi bao quả, với diện tích trên 3.000 ha; Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương (VietGAP, hữu cơ, an toàn…): 21.584 ha.

Hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La đang hỗ trợ duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 469 hộ nông dân trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR....

Toàn tỉnh có 740 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

Trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó có 09 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bằng 75 % tổng số doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Sơn La có điều kiện khí hậu phù hợp phát triển nhiều loại cây dược liệu, cây nông nghiệp trong đó nhiều cây thuốc có trữ lượng lớn trong tự nhiên, gồm: Bình vôi, cốt khí, cẩu tích, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, hoàng tinh, táo mèo, thảo quyết minh, thổ phục linh... Tại nhiều xã, bản vùng cao của tỉnh, người dân đang chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dược liệu; trồng dược liệu dưới tán rừng, như: Sa nhân, thảo quả, xạ đen, cà gai leo, sả, nghệ, atiso, đương quy...

Phát triển cây dược liệu gắn với du lịch

Phát triển cây dược liệu là hướng đi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng có giá trị kinh tế cao. Để đánh thức tiềm năng, thế mạnh đang còn bỏ ngỏ của tỉnh.

Triển khai điều tra về tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở địa bàn tỉnh nhà. Lựa chọn các loài cây thuốc có tiềm năng khai thác có giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường để điều tra trữ lượng và xây dựng Qui trình đầu tư phát triển, khai thác bền vững. Xây dựng các vùng khai thác bền vững.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc quí có nguy cơ bị tuyệt chủng và có giá trị kinh tế. Xây dựng một số mô hình phát triển theo chuỗi giá trị một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam.

Có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng, kỹ thuật; quy hoạch vùng trồng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu; đất đai; tín dụng... điều mà tỉnh Sơn La đã làm rất tốt trong phát triển cây ăn quả.

Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái. Thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa, cây trồng kém hiệu quả sang đất trồng các loại cây, nuôi các loại vật nuôi có hiệu quả hơn. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh. Xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm pháp luật về đất đai; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bức xúc của người dân về đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sơn La theo hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với phát triển nông thôn, do các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình thực hiện; phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại; Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu lực,hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Techfest Sơn La: Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng

    Techfest Sơn La: Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững gắn với du lịch cộng đồng

    16:23, 04/06/2022

  • TECHFEST Sơn La: Phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của khu vực miền núi phía Bắc

    TECHFEST Sơn La: Phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của khu vực miền núi phía Bắc

    09:49, 04/06/2022

  • Đề xuất thành lập Trung tâm logistics

    Đề xuất thành lập Trung tâm logistics "gỡ khó" cho nông sản Sơn La

    11:41, 08/04/2022

  • Sơn La thu hút nhà đầu tư hiện thực khát vọng “trung tâm chế biến nông sản Tây Bắc”

    Sơn La thu hút nhà đầu tư hiện thực khát vọng “trung tâm chế biến nông sản Tây Bắc”

    11:22, 08/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
 Sơn La: Phát triển du lịch, ẩm thực, nông nghiệp và dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO