Các nhà đầu tư (NĐT) đang có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường chứng khoán nhưng vẫn có tâm lý thận trọng với rủi ro. Bởi vậy, thị trường sẽ khó tạo sự đồng thuận mà sẽ có sự phân hóa mạnh.
Kết thúc tuần qua, VN-Index đã giảm 1,12% xuống mức 933,39 điểm, trong khi HNX- Index lại tăng 1,93% lên mức 107,62 điểm.
Điều chỉnh là tất yếu
Việc thị trường tăng mạnh qua mốc 930 điểm và trong bối cảnh tâm lý NĐT còn yếu, khối ngoại vẫn bán ròng thì việc điều chỉnh là tất yếu. Nhiều NĐT thực hiện chiến lược T+ với những cổ phiếu có sẵn nên khi giá cổ phiếu đủ kỳ vọng, họ sẽ bán ra. Khá nhiều cổ phiếu chỉ trong vài phiên đã có biên lợi nhuận tích cực từ 10-15%, nên việc gia tăng chốt lời là điều dễ hiểu.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 20/07/2018
13:13, 06/07/2018
04:22, 28/06/2018
11:43, 18/06/2018
16:15, 07/06/2018
17:10, 31/05/2018
06:11, 08/05/2018
Tuy nhiên, ở giai đoạn này chúng ta đã thấy một số yếu tố tích cực, và điều này đang củng cố xu hướng tăng trong thời gian tới. Thứ nhất, thanh khoản đang có xu hướng gia tăng mạnh, đặc biệt trong phiên 18-19/7 với gần 6.000 tỷ đồng/phiên cho cả 2 sàn. Đây là những phiên có khối lượng giao dịch khá cao so với thời gian gần đây, đồng nghĩa dòng tiền đang quay lại. Thứ hai, nhiều cổ phiếu đã chính thức bứt khỏi vùng đáy sau gần 10 phiên đi ngang. Dòng tiền sau vài phiên tập trung vào nhóm ngân hàng, đã có dấu hiệu lan tỏa sang nhóm cổ phiếu khác. Thứ ba, mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) đã chính thức bắt đầu và khá nhiều doanh nghiệp đã công bố KQKD vượt trội. Thứ tư, VN-Index cũng đã tạo tín hiệu tăng kỹ thuật kể từ khi chạm đáy 884 điểm.
Tâm lý thận trọng
Trước mắt, VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh bởi sức ép chốt lời. Tuy nhiên, việc dòng tiền đang lan tỏa khá mạnh như hiện nay và thanh khoản tích cực có thể sẽ mang đến cơ hội cho NĐT. Những NĐT lớp trước mua được cổ phiếu giá rẻ sẽ thay thế bằng lớp thứ 2 với kỳ vọng mới. Điều quan trọng ở đây chính là thanh khoản bởi nó cho thấy dòng tiền vẫn đang trên thị trường và tìm kiếm cơ hội. Nếu thanh khoản được duy trì thì những NĐT ban đầu sẽ sớm quay lại và khi đó mục tiêu tiếp theo là mốc 970 điểm hoàn toàn khả thi.
Mặc dù chỉ khoảng 30-40 điểm nhưng ở giai đoạn này lại là cả một câu chuyện lớn. Khi thị trường vẫn còn những nghi ngại, thì khó có thể tìm kiếm được cơ hội tốt. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu như xuất hiện dòng tiền ngoại. Chúng ta cũng có thể kỳ vọng vào điều này khi mà nhiều quỹ đầu tư trên thế giới đều cho rằng nên quay lại với thị trường mới nổi và thị trường cận biên. Mức chênh lệch giữa các thị trường này với thị trường phát triển là rất lớn, đủ bù đắp tổn thất do chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, kể cả khi kinh tế Mỹ suy thoái.
Hiện tại, các NĐT đang có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường chứng khoán nhưng cũng thận trọng với những rủi ro mà từng ngành, từng doanh nghiệp có thể gặp phải từ biến động trên thế giới. Bởi vậy, thị trường sẽ khó tạo sự đồng thuận mà sẽ có sự phân hóa mạnh.