Việc chọn phương án giá điện mặt trời nào và áp dụng trong thời gian bao lâu đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan nhà nước và khiến cho nhà đầu tư sốt ruột.
Ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đến tháng 6/2019, cả nước có 84 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 4.115,5 MW và 154,6 MW điện mặt trời mái nhà vào vận hành phát điện. Ngoài ra, có hơn 200 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 17 GWp đang đăng ký triển khai trong giai từ nay đến 2025.
Cụ thể, Quyết định đề xuất phân vùng cường độ bức xạ để tính toán giá FIT như sau: Vùng 1: 3,36-3,98 kWh/m2/ngày; vùng 2: 3,99-4,61 kWh/m2/ngày; vùng 3: 4,62-5,23 kWh/m2/ngày; vùng 4: bao gồm 6 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk hiện đang bị quá tải về lưới điện, vì vậy đề xuất áp dụng tính giá FIT với cường độ bức xạ khoảng 5,1 kWh/m2/ngày. Vùng có bức xạ thấp có mức giá khuyến khích cao hơn.
Thực tế cho thấy, cơ chế hỗ trợ giá cố định quy định tại Quyết định 11 (FIT) đã tạo động lực phát triển tốt thị trường công nghệ mới về năng lượng mặt trời tại Việt Nam, thúc đẩy hiệu quả thị trường mới bắt đầu và còn non trẻ với các cam kết dài hạn về giá và trách nhiệm mua điện. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai, Quyết định 11 bộc lộ một số hạn chế cần được xem xét.
Hiện tại, giá điện bán lẻ bình quân là 1.864,4 đồng/kWh, trong khi điện mặt trời được mua với giá 9,35 UScent/kWh (tương đương tầm 2.086 đồng/kWh), khiến bên mua điện mặt trời và phát lên lưới bị lỗ khoảng 221,6 đồng/kWh.
Với mức sản lượng điện mặt trời đang phát hiện nay khoảng 20 triệu kWh/ngày, riêng việc mua điện mặt trời với giá 2.086 đồng/kWh và bán lại với giá bình quân là 1.864,4 đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải bù lỗ khoảng 4 tỷ đồng/ngày.
Hiện, Bộ Công Thương đã đệ trình cả 2 phương án giá mua điện mặt trời chia theo 4 vùng và 2 vùng.
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống Điện Quốc gia, đây là bài toán tổng chi phí bằng nhau. Nếu chỉ có 2 vùng thì các nhà đầu tư sẽ tập trung vào làm ở khu vực hiệu quả hơn và chi phí đưa điện đến người tiêu dùng ít nhất cũng phải cỡ 3.000 đồng/kWh, cao hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Còn với một số doanh nghiệp thì lại nhất trí với quan điểm về 4 vùng giá.
Theo quan điểm của chủ đầu tư Dự án Điện mặt trời Phước Hữu, trong 2 năm tới, việc chia làm 4 vùng giá sẽ hợp lý hơn với suất đầu tư như hiện nay. Hiện, đa số các ý kiến tập trung ủng hộ phương án chia thành 2 vùng giá. Nếu vậy, vùng 1 sẽ gồm 6 tỉnh (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk) hiện đang bị quá tải về lưới điện và vùng 2 sẽ là các tỉnh còn lại.
Được biết, tại cuộc họp chiều 31/7 của Chính phủ vẫn chưa chốt xong mức giá mua điện mặt trời mới để áp dụng từ ngày 1/7/2019. Việc chọn phương án giá điện mặt trời nào và áp dụng trong thời gian bao lâu đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan nhà nước và khiến cho nhà đầu tư sốt ruột.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đang đề nghị tiếp tục cho áp dụng một giá điện 9,35 UScent/kWh cho các dự án điện mặt trời trên mái nhà trên địa bàn cả nước đến hết năm 2021. Cùng với đó, Bộ này cũng đã được yêu cầu tiếp tục đề xuất giá mua điện mặt trời phù hợp với cơ cấu tỷ trọng các nguồn điện và trình lại trước ngày 15/9/2019.