Thị trường chứng khoán (TTCK) mở phiên đầu tuần 7/11 trong bảng màu không nhà đầu tư nào mong đợi. 136 mã giảm kịch sản trên HoSE khiến VN-Index mất thêm 22 điểm.
>>>UOB: VND vẫn có xu hướng giảm giá
Mức mất điểm của VN-Index chỉ trong phiên hôm nay đã gần vươn tới mức mất điểm của cả tuần trước (30 điểm), đẩy chỉ số chính của TTCK xuống chỉ còn 975,19 điểm.
Bất động sản, ngân hàng tiếp tục là những mã "đè" VN-Index trong phiêm hôm nay, dù có sự phân hóa nhất định. Hầu hết tất cả những mã bất động sản quen thuộc với nhà đầu tư từ nhóm dẫn đầu sàn NVL, PDR, KDH, KBC, VCG, DXG, DIG, HDG, TCH, HBC, CTD, DXS, NLG, cho đến các nhóm dưới CII, HDC, ITA, KHG, QCG gồm SCR, DPG, HHV, CKG, LCG... đều "ngã sàn" la liệt, trong khi VIC - VHM với "năng lực" chi phối VN-Index rõ cũng mất 1,66% và 1,35% giá trị.
Bên cạnh những cổ phiếu giảm sâu ở nhóm ngân hàng như CTG giảm 4,69%, MBB giảm 5,31%, VIB giảm 6,58%, TPB giảm 5,63%, SHB giảm 4,89%, MSB giảm 5,43%, OCB giảm 3,25%, nhóm giảm hết biên độ gọi tên TCB, EIB, HDB, LPB trong khi VPB và ACB với mức tăng lần lượt 0,88% và 2,48%. Riêng 2 ông lớn VCB và BID cùng đứng giá tham chiếu.
VNM tiếp tục mạch thẳng tiến ngược chiều thị trường trong khi MSN và SAB tăng 0,24% và 1,1%. Đây thực sự là một phiên mở tuần tiêu cực phản ánh độ bi quan của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là khối ngoại mua ròng trên sàn HoSE với giá trị hơn 520 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 58 triệu đồng.
Nhìn lại tháng 10, thống kê của CTCK SSI (SSI Research) cho thấy, khối ngoại cũng là điểm sáng tích cực ở tháng qua. Và trong một bối cảnh mà đồng bạc xanh tăng mạnh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng mạnh lãi suất khiến nguy cơ các dòng vốn bị hút ra trên các thị trường, thì dòng tiền ETF và chủ động tăng tốc giải ngân trong tháng 10 tại TTCK Việt Nam.
Cụ thể, SSI Research cho rằng sau đợt giảm mạnh sau sự kiện “thiên nga đen” liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và hệ thống ngân hàng đã kích hoạt dòng tiền giải ngân từ nhóm quỹ ETF và chủ động.
Dòng vốn ETF phục hồi tích cực trong tháng 10. Nhiều quỹ ETF lớn đã ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đón nhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond (+835 tỷ đồng), VFM VN30 (+566 tỷ đồng), VanEck (+516 tỷ đồng). Bên cạnh đó, quỹ Fubon vẫn duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỷ đồng trong tháng 10.
Ngược lại, giá trị rút ròng ghi nhận không đáng kể ở một số quỹ như VNFIN Lead (-92 tỷ đồng), FTSE Vietnam (-20 tỷ đồng), Global X (-31 tỷ đồng). Nhờ vậy, tháng 10 được đánh giá một trong những tháng thành công của các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỷ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022 (chỉ sau tháng 5). Lũy kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỷ đồng.
>>>Tìm cơ hội đầu tư trong bất ổn
Tương tự, dòng tiền từ các quỹ chủ động tích cực trong tháng 10. Mặc dù các quỹ chủ động giải ngân thận trọng hơn so với các quỹ ETF, xu hướng tích cực là chủ đạo trong tháng 10, đặc biệt tập trung vào giai đoạn cuối tháng. Tổng giá trị vào ròng ghi nhận gần 700 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Điều này đã giúp các quỹ chủ động thu hẹp mức rút ròng trong 10 tháng đầu năm, chỉ còn hơn 1.300 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại mua ròng trong tháng 10 nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB, với tổng giá trị mua ròng hơn 2.000 tỷ đồng. Khối ngoại đã tích cực mua ròng vào các nhóm ngành có nền tảng cơ bản, triển vọng tích cực nhưng định giá có phần nào bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến thị trường như bán lẻ hàng thiết yếu (VNM, MSN), bất động sản khu công nghiệp (IDC) và ngân hàng (VCB). Ngược lại, các nhóm ngành ngược chu kỳ như thép hay bất động sản đều ghi nhận mức bán ròng mạnh trong tháng. Tính chung cho 10 tháng và loại trừ các giao dịch đột biến, khối ngoại đã mua ròng hơn 4,6 nghìn tỷ đồng.
"Diễn biến dòng tiền của các quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam trong tháng 10 tích cực hơn nhiều so với chúng tôi kỳ vọng sau mức sụt giảm mạnh của thị trường xuất phát từ các yếu tố bất ngờ nội tại", báo cáo dòng vốn đầu tư của SSI đánh giá. Bộ phận Research của CTCK này cũng cho rằng các biến số vĩ mô trong ngắn và trung hạn (từ 3-6 tháng tới) đang cho thấy những thách thức lớn trong việc điều hành của Chính phủ và NHNN nhằm duy trì một môi trường vĩ mô ổn định và những bước đi chính sách tiếp theo, mang tính chất tiếp tục siết chặt hay hỗ trợ các điều kiện tài chính trên thị trường sẽ là yếu tố ảnh hướng tới việc lựa chọn đầu tư vào Việt Nam hay không.
"Nhìn chung, tại thời điểm hiện tại, chúng tôi đánh giá kỳ vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn vẫn tương đối lớn và do vậy sẽ là yếu tố hỗ trợ xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất trong tháng 11. Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro vĩ mô tăng dần, dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng đảo chiều rút vốn khỏi Việt Nam", SSI Research nhận định.
Có thể bạn quan tâm