Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2021 và 7,3% năm 2022.
“Nền tảng kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ. Việt Nam là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới trong giai đoạn dịch bệnh, tuy nhiên chúng tôi cũng đang theo dõi sát sao những ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra ở trong nước” - ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Việt Nam và Thái Lan của Ngân hàng Standard Chartered, nhận định trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu do Ngân hàng mới xuất bản gần đây với tựa đề “Vietnam – Strong performance continues this year” (tạm dịch: Việt Nam – tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay).
Việt Nam bắt đầu tiêm vác-xin từ ngày 8 tháng 3 năm 2021, với khoảng 1 triệu người đã được tiêm chủng, phần lớn là các nhân viên y tế tuyến đầu. Việc triển khai tiêm chủng mở rộng là điều kiện quan trọng để mở của trở lại du lịch và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế bền vững, Báo cáo cho biết.
Theo các chuyên gia của Standard Chartered, số liệu thương mại của Việt Nam duy trì tích cực kể từ năm ngoái. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện (chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu) và các mặt hàng điện tử, máy tính và linh phụ kiện (chiếm khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu) dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trong tháng 5. Thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Ngân hàng nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ có thể làm gia tăng lạm phát, và giá cả thực phẩm trên thế giới gia tăng cũng đang gây ra ảnh hưởng lên lạm phát trong nước. Dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 3,8%.
Báo cáo tham vấn thường niên về Việt Nam năm 2020 do Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa công bố ngày 19/5 cho rằng, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7% trong năm 2021.
Triển vọng trên đạt được nhờ sự phục hồi của xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, sự gia tăng về vốn đầu tư nước ngoài và "sức khỏe" của nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính phủ về mặt chính sách cũng đóng vai trò thiết yếu thúc đẩy phục hồi kinh tế. Báo cáo của AMRO chỉ rõ, hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm cùng giá nhiên liệu ổn định sẽ giúp chính phủ Việt Nam duy trì lạm phát mức dưới 4% trong năm 2021.
Tuy nhiên, AMRO cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là nguy cơ của các đợt dịch mới vẫn tạo ra những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không đồng đều cũng có thể gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4, Chính phủ Việt Nam đã phải nhanh chóng ứng phó bằng việc đóng cửa trường học và áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới. Tuy nhiên, các chuyên gia của WB lưu ý rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư sẽ khiến các hoạt động kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch, vận tải và bán lẻ. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào sự nghiêm trọng của đợt bùng phát này và mức độ ứng phó nhanh chóng của Chính phủ.
"Trong thời gian tới, sự phục hồi kinh tế đang diễn ra có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư. Nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về y tế và đi lại, Chính phủ có thể cần xem xét một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", báo cáo của WB khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021: (Kỳ 1) Lạm phát và làn sóng COVID-19 mới
04:00, 31/05/2021
Chuyên gia ADB nêu những lưu ý cho nền kinh tế Việt Nam
03:00, 04/05/2021
Thủ tướng “đối thoại 2045”: Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ
17:51, 06/03/2021
Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"
13:00, 28/04/2021