Start-up Việt cầm cự qua dịch

Theo NLĐ 18/08/2020 08:12

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp bị phá sản kéo theo làn sóng thất nghiệp nối dài, cả sếp và nhân viên đều đang tìm cách xoay trở để phù hợp với tình hình mới.

Báo cáo mới đây của Công ty Tư vấn đầu tư BuyShares (Anh)cho biết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gần 70.000 người làm việc trong các start-up (khởi nghiệp) công nghệ trên thế giới đã mất việc từ tháng 3. Báo cáo này ghi nhận những start-up công nghệ chịu tổn thất nhân lực nhiều nhất thuộc các lĩnh vực vận tải, bán lẻ, tài chính và du lịch.

Còn theo khảo sát từ tổ chức Start-up Genome, khoảng 74% start-up tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phần lớn các start-up chỉ còn đủ vốn duy trì trong vài tháng trong khi gần như "tắt hy vọng" về việc huy động được thêm vốn trong ngắn hạn. Điều này sẽ khiến hơn 60% start-up phải đóng cửa sau khi dịch COVID-19 kết thúc.

Khó khăn chất chồng

Tại Việt Nam, hàng hoạt start-up đình đám tuyên bố phá sản, thu hẹp quy mô hoạt động hoặc sáp nhập với các đối thủ để tìm hướng vượt qua khủng khoảng. Đó là những doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp lớn đã được báo chí đưa tin nhiều. Còn hàng ngàn start-up nhỏ, siêu nhỏ chưa có sản phẩm hình thành, nhiều start-up mới là ý tưởng và đang trong quá trình xây dựng, nhiều start-up còn chưa thành lập DN bị "lũ" COVID-19 cuốn trôi, để lại cảnh thất nghiệp cho hàng ngàn nhân viên.

Các nhà khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong một chương trình tăng tốc khởi nghiệp

Các nhà khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm trong một chương trình tăng tốc khởi nghiệp

Anh Ngô Minh Hiếu (33 tuổi; quận Tân Bình, TP HCM), sáng lập và điều hành một start-up về điểm chỉ dẫn địa lý xanh cho ngành rau củ quả, cho biết thời điểm dịch bùng phát lần đầu rơi vào đúng lúc công ty anh chuẩn bị đón tiếp các nhà đầu tư Singapore sang để gặp mặt, ký kết rót vốn để cùng phát triển dự án. Quy định cấm bay khiến cơ hội này bị hoãn lại cho đến giờ và hiện tại, nhân viên trong công ty anh đã nghỉ gần hết.

"Không thể tiếp cận các gói vay tại Việt Nam, chúng tôi chỉ có thể gọi vốn từ các quỹ đầu tư nhưng các quỹ dù hoàn thiện những bước hồ sơ online, họ vẫn yêu cầu gặp trực tiếp người sáng lập, điều hành, nghiên cứu kỹ mới rót vốn. Thiếu vốn hoạt động, chúng tôi không có tiền trả lương, không còn tiền trả mặt bằng và cả điện, nước, bản thân tôi cũng "ăn bám" vợ trong nhiều tháng qua" - anh Hiếu lo lắng.

Được đào tạo và có kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin, mấy tháng nay, anh Hiếu cùng nhóm bạn buộc phải nhận các dự án nhỏ về làm để cầm cự qua mùa dịch và chờ cơ hội mới. Nhưng làm xong, bên đối tác cũng mới chỉ thanh toán 30% vì cần một buổi ngồi lại thử nghiệm sản phẩm. "Nhiều bạn đã rời nhóm để chạy xe ôm công nghệ vì không thể gõ phím và chờ lương. Gần chục năm đi làm cả trong và ngoài nước, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay" - anh thổ lộ.

Đang là kỹ sư trưởng cho một dự án khởi nghiệp liên quan đến ngành nội thất, anh Nguyễn Minh Khiêm (36 tuổi; quận Gò Vấp, TP HCM) "bỗng dưng" mất việc làm. Khiêm kể nhiều năm đi làm, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có ngày phải thất nghiệp như hiện giờ.

"Dự án khởi nghiệp tôi làm có hơn 20 kỹ sư thiết kế và 40 công nhân sản xuất. Người sáng lập dự án khởi nghiệp này có ý tưởng táo bạo khi liên kết với nhiều xưởng sản xuất khác để đáp ứng nhu cầu cho các dự án lớn, bao gồm cả tư vấn, thiết kế, thi công. Dịch ập đến, các dự án tạm ngưng, DN của tôi cũng phải dừng hết các hoạt động. Cầm cự được đến tháng 5 thì tất cả phải nghỉ vì quỹ lương không còn" - anh Khiêm cho biết.

Tạm chia tay nhân viên, ông chủ của Khiêm đã khóc khi không thể duy trì được việc làm cho họ. "Ông chủ hứa với anh em sẽ quay lại làm việc nếu thị trường bất động sản ấm lên, các dự án được triển khai lại và họ sẽ được nhận lương như trước. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện tại, ông có cố gắng bao nhiêu cũng khó lấy lại những gì như trước khi COVID-19 xuất hiện" - Khiêm nói.

Xoay trở vượt khó

Ông Alain Huỳnh, CEO của eDoctor - một start-up công nghệ trong lĩnh vực y tế, nhìn nhận: "Dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài ít nhất đến cuối năm 2020 với nhiều diễn biến phức tạp khó đoán. Do vậy, tự thân các start-up phải nghĩ cách sống chung với COVID-19, bởi khi khủng hoảng do dịch bệnh kết thúc thì cơ hội cũng mất và nguồn lực cũng cạn. Từ thực tế này, eDoctor sớm đưa ra nhiều dịch vụ và sản phẩm mới, thích ứng với thị trường hiện tại và trong tương lai". Đó là cách mà CEO của eDoctor xoay xở để vượt qua khó khăn, giữ được việc làm cho người lao động (NLĐ) bởi phía sau họ còn cả gia đình.

Ở góc độ NLĐ, họ cũng buộc phải xoay chuyển để thích ứng với tình hình mới. Thay vì nhận lương vài chục triệu đồng mỗi tháng khi còn đi làm, hiện anh Khiêm cũng có thể nhận được như thế nếu nhận được các gói thiết kế căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, con số đó không ổn định, bấp bênh và đầy khắc nghiệt.

"Lúc trước, tôi là team leader (trưởng nhóm) nên chỉ đưa ra ý tưởng để cộng sự thực hiện, sau đó kiểm tra và chỉnh sửa. Từ ngày thất nghiệp, khi nhận dự án về làm tại nhà thì tôi phải làm hết tất cả công đoạn, kể cả đi ra hiện trường để đo đạc. Vất vả hơn nhiều nhưng cũng may mắn hơn nhiều anh em cũ, họ vẫn chưa tìm được việc. Khắc nghiệt nhất là thường xuyên đối diện với khen chê từ chủ đầu tư và mình phải nhẫn nại để làm cho tốt" - anh Khiêm chia sẻ.

Là chuyên gia trong lĩnh vực việc làm, bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập kiêm CEO FreelancerViet, cho rằng COVID-19 là liều thuốc thử cho tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Điểm chung của các start-up là tìm ra các cơ hội mới trong đại dịch, triển khai một cách nhanh chóng và đưa ra thị trường để tận dụng xu hướng chuyển dịch đang diễn ra. Các cuộc khủng hoảng dù mang đến những thách thức không nhỏ cho đa phần start-up nhưng đó cũng có thể là cơ hội sàng lọc các start-up đủ tốt, vượt qua giai đoạn khủng hoảng để tiến đến một thời kỳ phát triển nhanh hơn trong tương lai.

Chủ động thích ứng

"Ở góc độ NLĐ bị ảnh hưởng, tôi lại tin rằng họ chính là những người xoay chuyển tốt nhất khi thị trường việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bởi lẽ, nhân sự bước ra từ các start-up đều là những lao động chất lượng, có trình độ và đa phần liên quan đến công nghệ. Do đó, họ sẽ chuyển đổi nhanh chóng để thích ứng và có được việc làm sớm hơn những lao động khác. Bản thân họ sẽ biết đâu là cơ hội và làm việc theo hình thức freelance (nghề tự do) chắc chắn là sự lựa chọn phù hợp nhất hiện nay. Việc làm dành cho freelancer có rất nhiều trên các sàn việc làm trực tuyến dành cho freelancer không giới hạn biên giới quốc gia trong tình hình đi lại giữa các nước đang bó hẹp" - bà Phạm Lan Khanh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Start-up Việt cầm cự qua dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO