Startup là mục tiêu đầy vinh quang của nhiều người trẻ, song phải biết rằng, quá trình để đi đến mục tiêu ấy một cách thành công, không phải là con đường trải hoa hồng.
Người trẻ muốn khởi nghiệp phải làm việc một cách nghiêm túc và hết mình. Hãy cởi mở và chân thành, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người có kinh nghiệm để học hỏi và phải biết mình thiếu gì, cần gì, phải mạnh dạn nói ra để được giúp đỡ.
Thời còn là sinh viên khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học - Đại học Huế, tôi rất thích thú khi nhìn thấy những tấm thiệp giấy được bán trên thị trường vì hình thức đơn giản nhưng đẹp mắt. Tuy nhiên, về mặt nội dung, lại không có gì nổi bật và đặc sắc. Vậy nên, tôi nghĩ mình phải tạo sự mới mẻ và "thổi hồn" cho chúng.
Thế là những tấm thiệp với hình ảnh những công trình kiến trúc như Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ... được thể hiện qua những nét điêu khắc tỉ mỉ, lấp lánh ánh đèn LED đã ra đời. Và sản phẩm này đã giúp tôi đoạt giải nhất cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo - Huế 2016" do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức.
Sau đó, chân ướt chân ráo bước vào thương trường, tôi đã gặp không ít khó khăn. Trở ngại đầu tiên là nguồn vốn vì tôi từng bị từ chối nhiều lần khi gọi vốn. Cái khó tiếp theo là mặt bằng sản xuất. Dù sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường trong nước và cũng có một số đơn hàng từ nước ngoài, nhưng TAYTA không đủ khả năng mở rộng sản xuất cũng vì thiếu vốn.
Hiện tại, để vượt khó, tôi đang tìm một người đồng sáng lập có kinh nghiệm về thị trường và kinh doanh. Tôi cũng ấp ủ dự định sẽ thử sản xuất sản phẩm bằng nhiều chất liệu truyền thống khác như mây, tre hoặc kim loại dát mỏng bên cạnh giấy Canson vân gỗ đã được sử dụng. Dùng nguyên vật liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thông qua những sản phẩm của TAYTA, tôi muốn gửi gắm đến mọi người thông điệp về bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, TAYTA đang xây dựng đề án đưa mô hình kinh thành Huế được gấp gọn vào những cuốn sách, và cần ít nhất 2 năm để thực hiện. Chúng tôi mong muốn sản phẩm mô phỏng một cách trọn vẹn nhất quần thể kinh thành Huế này sẽ đến được khắp nơi trên thế giới và đang tìm kiếm sự hỗ trợ để thực hiện đề án.
Theo tôi, nhiều bạn trẻ ở Huế chưa hiểu rõ khái niệm khởi nghiệp. Khởi nghiệp là nỗ lực sáng tạo không ngừng để xây dựng cơ nghiệp chứ không phải khởi sự kinh doanh một mặt hàng đã có sẵn trên thị trường. TAYTA từng tham gia chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) Việt Nam mùa đầu tiên vào năm ngoái.
Tuy không gọi được vốn nhưng tôi đã có được những kinh nghiệm quý báu. Đó là trước khi gọi vốn phải chuẩn bị rất nhiều thứ, phải tìm người cố vấn, tập hợp được đội ngũ nhiệt huyết và cầu thị, cố gắng làm ra được sản phẩm để giới thiệu thì càng dễ thuyết phục và tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư.
Phải biết mình đang ở đâu và muốn công ty phát triển như thế nào. Cần phải có kiến thức về kinh doanh và thị trường, hoặc tìm một người đồng sáng lập hỗ trợ mình. Cuối cùng là phải xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh đầy đủ, ngắn gọn để không phải lúng túng khi thuyết phục các nhà đầu tư.
(*) Tác giả là Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông Minh TAYTA