Thay vì sao chép mô hình sẵn có, startup cần tạo giá trị riêng, tận dụng niềm tin của nhà đầu tư với thị trường Việt Nam đang tăng cao trong bối cảnh COVID-19 được kiểm soát tốt.
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Grab Ventures Ignite vừa mở đầu chuỗi huấn luyện bootcamp vào sáng 20/7 tại TP HCM. Tham gia sự kiện có ông Vũ Quốc Huy - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), bà Nguyễn Thái Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Sendo, ông Tâm Trần - Giám đốc khối thị trường KPMG Việt Nam, cùng trao đổi về những thách thức startup Việt cần vượt qua trong giai đoạn "bình thường mới".
Ông Trần Hải Linh - Tổng giám đốc Sendo cho rằng nếu cứ sao chép các sản phẩm, mô hình kinh doanh trên thế giới, startup Việt không thể lớn mạnh. Họ cần tạo ra sự khác biệt, phục vụ những nhu cầu thiết thực của khách hàng.
"Những năm gần đây, cộng đồng khởi nghiệp đã bắt đầu tạo ra những giá trị riêng, nổi bật là các công ty phát triển phần mềm tích hợp AI bằng tiếng Việt hay những doanh nghiệp sẵn sàng cạnh tranh với các ông lớn về livestream hay dữ liệu", ông Linh nhấn mạnh.
Khi đã có những mô hình mang đến giá trị thật cho người tiêu dùng, cộng đồng khởi nghiệp Việt dễ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin vào thị trường Việt Nam thăng hạng vì Chính phủ phản ứng và kiểm soát COVID-19 tốt hơn nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Hải Vân - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cũng cho rằng startup Việt có thể san bằng khoảng cách với cộng đồng khởi nghiệp khu vực dựa vào sức trẻ và khả năng nắm bắt công nghệ nhanh nhạy. Cùng một trình độ nhưng người điều hành của startup Việt Nam trẻ hơn khoảng 10 tuổi so với người đồng cấp ở khu vực.
"Năng lực nắm bắt những điều mới của họ cũng khiến nhiều nhà đầu tư ngạc nhiên. Điều này tạo ra cho cộng đồng khởi nghiệp Việt khoảng 10 năm lợi thế", bà Vân nhận xét.
Đại diện Grab Việt Nam nhìn nhận COVID-19 là một phép thử mang đến nhiều bài học cho cả doanh nghiệp Việt lẫn cộng đồng khởi nghiệp. Sau phép thử đó, thị trường đang có hai xu hướng nổi trội, đó là sự thay đổi hành vi người tiêu dùng và chuyển đổi từ offline sang online.
"Sau COVID-19, an toàn là yếu tố thường trực trong tâm trí của người tiêu dùng ở nhiều khía cạnh. Vì vậy, startup nên tích hợp thêm yếu tố an toàn vào sản phẩm để thích ứng với hành vi tiêu dùng mới", bà Vân phân tích.
Đồng thời, trong bối cảnh chuyển đổi số từ offline sang online, cộng đồng khởi nghiệp Việt đứng trước nhiều cơ hội lớn vì vốn có thế mạnh về việc tận dụng công nghệ cao. Không ai dám chắc là những khủng hoảng như COVID-19 sẽ không lặp lại. Vì vậy, khi đối mặt với đoạn đường khó, chỉ có hai cách, hoặc biết rõ từng chi tiết trên đường hoặc linh hoạt theo từng tình huống. Nếu không thể biết trước phương hướng, sự linh hoạt là điều giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Ngoài sức mạnh nội lực, startup Việt còn có cơ hội vươn lên trong thời điểm "bình thường mới" nhờ chính sách rộng mở. Ông Vũ Quốc Huy - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong giai đoạn này, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia cũng phối hợp với nhiều nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các startup công nghệ.
"Có thể thấy rằng cộng đồng startup Việt không 'cô đơn' trong giai đoạn 'bình thường mới' vì có chính sách tốt về khuyến khích khởi nghiệp, có sự hỗ trợ của nhiều nhà đầu tư như Grab Ventures Ignite và một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững", ông Tâm Trần - Giám đốc khối thị trường KPMG Việt Nam kết luận.