Phó Chủ tịch VCCI kỳ vọng Nghị định số 82 về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ được sửa đổi một cách toàn diện, tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cho KCN, KKT.
Chiều 21/9, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, tính đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam có 575 khu công nghiệp (KCN), 26 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu và 18 KKT ven biển.
“Hệ thống KCN của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ.Việt Nam có vị trí địa chiến lược trong phát triển bất động sản công nghiệp, nền chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào, kinh tế tăng trưởng tốt. Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định EVFTA, CTPPP, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)… là bàn đạp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần phải gấp rút chuẩn bị cho việc hình thành hệ thống bất động sản công nghiệp quy mô, hiện đại và dịch vụ hậu cần để đón bắt làn sóng FDI này”, ông Phòng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rất hoan nghênh Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhanh chóng tổ chức chuỗi sự kiện “Xây tổ đón đại bàng” và bình chọn KCN tiêu biểu với sự tham gia của đông đảo chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước, các chuyên gia và đại diện các bộ ban ngành tham dự, góp ý.
"Mở màn cho chuỗi sự kiện này là một tọa đàm rất thiết thực “Nguồn nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: Thực trạng và giải pháp” diễn ra vào tháng 7/2021. Và hôm nay, tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục tổ chức tọa đàm “Góp ý sửa đổi về Nghị định 82/2018/NĐ - CP của Chính phủ về Quản lý KCN, KKT”, ông Phòng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phòng thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác.
“Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết”, ông Phòng nói.
Ông Phòng nhấn mạnh, thông qua tọa đàm này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp mong muốn được tiếp thu những ý kiến góp ý tâm huyết của các nhà đầu tư, cơ quan quản lý về trình tự, thủ tục, các quy định còn vướng mắc để hoàn thiện nội dung sửa đổi, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cũng như khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà các KCN, KKT đang gặp phải trong quá trình vận hành và phát triển hiện tại.
“Chúng tôi rất mong chờ Nghị định số 82 sẽ được sửa đổi một cách toàn diện, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng KCN, KKT, đồng thời tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cho KCN, KKT. Từ đó, tạo điều kiện thu hút những dự án có chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới" - ông Phòng cho biết.
Ông Phòng khẳng định: "Chúng tôi cũng mong rằng các cơ quan quản lý chú ý lắng nghe để tiếp thu ý kiến một cách hữu ích hơn để có được nghị định sửa đổi đảm bảo mong muốn nhà quản lý, nhà đầu tư cũng như đảm bảo được mục tiêu đề ra".
Có thể bạn quan tâm