Sửa Luật Công chứng: Không nên hạn chế sự phát triển của Văn phòng công chứng

ANH KHÔI 19/11/2023 03:00

Góp ý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), VCCI cho rằng, việc giới hạn hành nghề công chứng Dự thảo đề xuất đã hạn chế đến sự phát triển của Văn phòng công chứng…

>> Rà soát pháp luật: Bất cập Luật Công chứng 2014

Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 4076/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Công chứng (Dự thảo).

VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 4076/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Công chứng - Ảnh minh họa: ITN

VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Công chứng - Ảnh minh họa: ITN

Tại văn bản góp ý, VCCI cho biết, theo quy định hiện hành và quy định tại Dự thảo, mặc dù “hành nghề công chứng” là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng Văn phòng công chứng lại được thành lập theo quy trình thủ tục riêng, không giống như phần lớn các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác. Văn phòng công chứng không thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp mà thực hiện thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.

Mô hình tổ chức, hoạt động của Văn phòng công chứng có tính chất như công ty hợp danh nhưng hoàn toàn không giống như công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cụ thể: Văn phòng công chứng chỉ có thành viên hợp danh, không có thành viên góp vốn; Văn phòng công chứng không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động đã đăng ký; Văn phòng công chứng không được góp vốn, nhận vốn góp, hợp tác với tổ chức, cá nhân không phải là công chứng viên để thành lập, duy trì hoạt động của Văn phòng công chứng.

VCCI đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thay đổi cơ chế thành lập hoạt động của Văn phòng công chứng - Ảnh minh họa: ITN

VCCI đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thay đổi cơ chế thành lập hoạt động của Văn phòng công chứng - Ảnh minh họa: ITN

Theo VCCI, các giới hạn trên đã hạn chế đến sự phát triển của Văn phòng công chứng, cụ thể:

Yêu cầu chỉ có công chứng viên mới được góp vốn vào Văn phòng công chứng và trở thành thành viên hợp danh, không cho phép công chứng viên khác (không muốn trở thành thành viên hợp danh) hoặc cá nhân khác được phép góp vốn vào Văn phòng công chứng khiến cho Văn phòng công chứng thiếu nguồn vốn để hoạt động và/hoặc khó khăn trong việc huy động vốn từ các nguồn khác. Trong nhiều trường hợp, công chứng viên muốn trở thành thành viên hợp danh lại không có vốn, trong khi công chứng viên khác không muốn trở thành thành viên hợp danh hoặc cá nhân không phải là công chứng viên có vốn nhưng lại không được phép góp vào;

Theo quy định tại Dự thảo, Văn phòng công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên. Với việc hạn chế về huy động vốn trên cộng thêm gánh nặng về nghĩa vụ tài chính này sẽ tạo ra khó khăn cho Văn phòng công chứng;

Yêu cầu Văn phòng công chứng không được phép mở các chi nhánh, văn phòng đại diện, thực hiện các giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng sẽ khiến cho Văn phòng công chứng không thể mở rộng được hoạt động, khó thu hút được khách hàng.

Từ đó, VCCI cho rằng, các hạn chế này có thể dẫn tới việc các Văn phòng công chứng phát triển theo hướng nhỏ lẻ, cơ sở vật chất không được đầu tư vì thiếu nguồn lực. Các Văn phòng công chứng sẽ thiếu động lực để cạnh tranh và điều này vô hình trung sẽ tác động đến chất lượng dịch vụ cho các khách hàng;

Việc đặt ra các giới hạn trên đối với Văn phòng công chứng có thể xuất phát từ tính chất của hoạt động nghề nghiệp này, đó là gắn trách nhiệm cá nhân của công chứng viên (phải chịu trách trách nhiệm toàn bộ tài sản của mình) đối với hoạt động công chứng, hoạt động của Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, các quy định tại Dự thảo đã kiểm soát được điều này.

Cụ thể, trong Văn phòng công chứng, bên cạnh các công chứng viên là thành viên hợp danh, còn có các công chứng viên khác làm việc theo hợp đồng lao động. Các công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động thực hiện công chứng, thì chịu trách nhiệm pháp lý cho hoạt động công chứng đó chính là Văn phòng công chứng, trách nhiệm của các thành viên hợp danh. Vì vậy, việc cho phép các công chứng viên khác góp vốn vào mà không thành thành viên hợp danh hoặc các cá nhân khác góp vốn vào Văn phòng công chứng thì cũng không làm thay đổi về tính chịu trách nhiệm đối với hoạt động công chứng của Văn phòng công chứng.

Để tạo điều kiện hoạt động và phát triển của hoạt động công chứng, VCCI đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thay đổi cơ chế thành lập hoạt động của Văn phòng công chứng theo hướng đăng ký thành lập doanh nghiệp và cấp giấy phép thành lập, hoạt động Văn phòng công chứng như các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hoặc giải trình rõ hơn về việc đặt ra các hạn chế hướng tới mục tiêu quản lý nào, trong trường hợp có lý do thuyết phục để giữ lại hình thức thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng như Dự thảo, đề nghị bỏ các hạn chế nêu trên đối với Văn phòng công chứng, tức là bỏ điểm k, điểm n khoản 1; điểm đ khoản 2 Điều 7 Dự thảo.

Cùng với vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung liên quan đến: Nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng (Điều 17 Dự thảo); Quy trình thành lập Văn phòng công chứng (Điều 22 Dự thảo); Văn phòng công chứng (Điều 21); Chuyển nhượng Văn phòng công chứng (Điều 29); Thẻ công chứng viên (Điều 37);...  

Có thể bạn quan tâm

  • Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2023

    Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2023

    16:02, 11/11/2023

  • Giao dịch bất động sản phải qua công chứng hay sàn?

    Giao dịch bất động sản phải qua công chứng hay sàn?

    11:53, 31/10/2023

  • Giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực?

    Giao dịch bất động sản phải thông qua công chứng, chứng thực?

    05:00, 31/10/2023

  • BAC A BANK phát hành hơn 3000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng

    BAC A BANK phát hành hơn 3000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng

    10:26, 27/09/2023

  • Sớm xây khung pháp lýp/cho công chứng điện tử

    Sớm xây khung pháp lý cho công chứng điện tử

    16:34, 26/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Công chứng: Không nên hạn chế sự phát triển của Văn phòng công chứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO