Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất, cân nhắc việc bãi bỏ các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh thành...
>> Sửa Luật Đất đai: Cân nhắc mở rộng đối tượng áp dụng phương pháp thặng dư
Theo đó, để tạo nguồn lực cho các địa phương tháo gỡ các “điểm nghẽn”, phát triển nhanh và bền vững, Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa… tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại bãi bỏ một số nội dung liên quan quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết đặc thù cho các tỉnh, thành đã nêu.
Cụ thể, điểm b khoản 2 Điều 261 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu rõ: “Bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết: Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng; Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ; Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa”.
Như vậy, chiếu theo đề xuất tại Điều 261 của Dự thảo Luật (sửa đổi) một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa đã bị bãi bỏ.
Liên quan đến nội dung này, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc bãi bỏ cơ chế đặc thù của các địa phương như đã nêu là không phù hợp, cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
>> Sửa Luật Đất đai: Cần xóa bất cập về đất làm dự án nhà ở thương mại
Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông thường, những Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có tổng kết, báo cáo đánh giá kỹ trước khi ban hành luật.
“Đã có thí điểm phải có tổng kết, đánh giá, chúng ta đã làm được gì sau thời gian có chính sách xé rào cho địa phương đó. Người dân và địa phương đó hưởng lợi được gì, ngân sách Nhà nước thu về từ cơ chế đặc thù đó tăng hay không, tăng như thế nào. Khi xây dựng Luật, nhà làm Luật phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, đặc biệt, ý kiến của HĐND các địa phương đã và đang được áp dụng cơ chế đặc thù này. Ở đây, cơ quan quản lý tài nguyên môi trường và chính quyền địa phương đã có báo cáo đánh giá từ cơ chế đặc thù trong quản lý đất đai chưa? Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ dựa vào các báo cáo đánh giá này để thông qua luật hay không? Việc bỏ luôn các cơ chế đặc thù mà chưa có sự đánh giá chuyên môn phối hợp với địa phương là chưa ổn. Cần có sự đánh giá kỹ càng hơn, nếu thấy hiệu quả và nhằm thúc đẩy phát triển cho vùng, địa phương, nên có cơ chế mở khi xây dựng luật”, PGS.TS Đinh Xuân Thảo bày tỏ.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, nội dung này cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn.
“Những quy định trong Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Thanh Hóa và Khánh Hòa là những nội dung cụ thể hóa, Luật hóa một số chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị. Đồng thời, những Nghị quyết này có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ban hành hoặc được ghi cụ thể trong Nghị quyết, trong đó có nêu rõ “trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày các Nghị quyết này có hiệu lực mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết đó thì việc áp dụng do HĐND tỉnh/thành phố đó quyết định”. Có nghĩa, điều này tùy thuộc vào việc các quy định nêu trong Luật đất đai (sửa đổi) sắp tới có ưu đãi hơn hay không và có cho phép HĐND tỉnh/thành phố đó được quyền lựa chọn áp dụng nữa hay không cũng cần làm rõ”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.
Vị chuyên gia này cho rằng, những Nghị Quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù (trong đó có lĩnh vực đất đai) cho các tỉnh, thành phố này xuất phát từ việc muốn phát huy tốt hơn tiềm năng, đặc thù của những tỉnh, thành phố đó. Trước khi đưa ra Nghị quyết này, các Cơ quan, Bộ ngành cũng đã bàn thảo rất kỹ, mục đích chung là phát huy thuận lợi của tỉnh, thành phố đó, của địa bàn đó, gồm cả hướng đến nâng tầm một số thành phố này trực thuộc Trung Ương đến năm 2025 hoặc 2030. Vì vậy, Dự thảo Luật đất đai lần này cần có đối chiếu, rà soát và qui định rõ nhằm đảm bảo nhất quán, xuyên suốt và không để khoảng trống cơ chế, pháp lý xảy ra.
Đồng quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) bãi bỏ các nội dung về quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết đặc thù phát triển một số địa phương như đã nêu sẽ khiến cho các chính sách của Quốc hội không có tính đảm bảo liên tục, ổn định và nhất quán. Đặc biệt, những Nghị quyết này chỉ mới được ban hành trong thời gian ngắn 1 - 2 năm, nếu bãi bỏ thì sẽ gây ách tắc cho nhiều dự án, nhà đầu tư, từ đó cũng gây khó khăn cho cả địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai: Cân nhắc mở rộng đối tượng áp dụng phương pháp thặng dư
04:00, 29/10/2023
Sửa Luật Đất đai: Cần xóa bất cập về đất làm dự án nhà ở thương mại
04:00, 27/10/2023
Sửa Luật Đất đai: Phá “rào cản” để phát triển du lịch
20:58, 23/10/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tạo đất cho du lịch
11:19, 21/10/2023
Sửa Luật Đất đai: Thiếu cơ chế thu hồi đất cho dự án phát triển du lịch
04:00, 20/10/2023