Đồng tình với việc cần có chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, quy định này cần phải được làm rõ…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù
Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần “có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế”.
Nhằm cụ thể hóa yêu cầu đã nêu, Điều 17 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thiết kế 2 khoản bao gồm: khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Trong đó, đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như: Được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND TP. Hà Nội quy định. Được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp…
Đồng tình với chính sách tại Dự thảo, tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ cơ sở pháp lý về xác định Vùng Thủ đô
Theo đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, nội dung của Điều 17 hiện hành chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có”"phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”,... rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.
Đại biểu này cho rằng, có những cá nhân rất xuất sắc nhưng không hoặc rất khó phù hợp để làm việc trong khu vực công dù cho nhận được ưu đãi tốt đến mức nào. Chẳng hạn như chính sách thu hút các vận động viên có thành tích thi đấu xuất sắc, nghệ sĩ đoạt giải cao tại các kì thi khu vực, quốc tế vào làm việc trong khu vực công sẽ có thể không hoàn toàn phù hợp khi họ phải xa rời môi trường tập luyện để có được thành tích cao. Đối với thu hút nhân tài cho khu vực công, ngoài các mô tả về năng lực, trình độ, còn cần phải đề cập đến những mô tả về thái độ, tinh thần phụng công, thủ pháp, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm.
Trong khi, các nội dung của Dự thảo mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của Chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng;…
Từ đó, vị đại biểu này đề xuất, quy định tại Dự thảo cần phải được xem xét, bổ sung một cách rõ ràng, cụ thể.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định tại khoản 2 Điều 17 mặc dù đưa ra 4 điểm liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, tuy nhiên, nội dung còn chung chung, không định hình được tiêu chí làm cơ sở áp dụng trong thực tiễn, cần cân nhắc để đảm bảo tính chặt chẽ, dễ áp dụng.
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề xuất, để phát huy hết “nguyên khí” của “hiền tài” đưa Thủ đô trở thành thành phố “văn hiến - văn minh - hiện đại”, “trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng”, phải xây dựng cơ chế đặc thù tương xứng, cụ thể và khả thi trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.
Theo đó, bên cạnh các chính sách ưu đãi về xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức; ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập, được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ đãi ngộ phù hợp, cần bổ sung và cụ thể hóa các chính sách ưu đãi cụ thể về thu nhập, bao gồm tiền lương và các thu nhập ưu đãi ngoài tiền lương, các ưu đãi hoặc hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện đi lại, chăm sóc y tế cho người tài và một số lượng nhất định người thân của người tài đó.
“Nếu chỉ dừng lại ở những ưu đãi nhất định trong tương quan của khu vực công lập như quy định tại dự thảo Luật hiện nay sẽ rất khó cạnh tranh và giữ chân người hiền tài gắn bó với khu vực công. Ngoài ra, cần nghiên cứu chính sách với nhân tài hoạt động cơ hữu và một số nhân tài hoạt động theo các chương trình, sự việc cụ thể”, vị đại biểu này bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù
03:30, 16/11/2023
Sửa Luật Thủ đô: Đề xuất lập 2 thành phố trực thuộc Hà Nội
19:20, 11/11/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ cơ sở pháp lý về xác định Vùng Thủ đô
04:00, 19/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần đưa ra cơ chế phù hợp để thu hút đầu tư
04:00, 15/10/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần có định mức xây dựng riêng cho Hà Nội
04:00, 12/10/2023