Đến nay, “sức đề kháng” của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam vẫn trong giai đoạn yếu vì nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Theo ghi nhận, doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản (BĐS), du lịch, sản xuất,... đã có nhiều kiến nghị đến lãnh đạo địa phương cũng như cấp thẩm quyền cao hơn để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ.
>> Đề xuất gỡ phong tỏa tài khoản, gia hạn tiền nợ thuế cho doanh nghiệp Quảng Nam
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, tính từ đầu năm đến ngày 19/02/2024, toàn tỉnh có 152 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 100% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vốn đăng ký thành lập mới chỉ đạt khoảng 569 tỷ đồng, giảm 44,4% so với cùng kỳ. Theo ghi nhận của địa phương, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 188 doanh nghiệp (tăng 24,5% so với cùng kỳ), qua đó góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 340 doanh nghiệp (+12,2%).
Thế nhưng, con số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng cao trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, có 619 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 14,2% so với cùng kỳ), có 562 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (+10,4%), 26 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (+23,8%) và 31 doanh nghiệp giải thể (+158,3%).
Những con số trên cho thấy những khó khăn vẫn còn đè nặng cộng đồng doanh nghiệp. Đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn vì loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Ông Phan Ngọc Minh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Minh Phan cho hay đang điều hành 3 sản xuất vật liệu xây dựng và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều gặp vướng mắc. Theo ông Minh, về sản xuất vật liệu xây dựng vấn đề quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng tại huyện Duy Xuyên đã có quy hoạch đến năm 2030 nhưng để được cấp phép mỏ và doanh nghiệp được sử dụng diện tích mỏ vào sản xuất thì phải tự thuê đơn vị tư vấn để làm hồ sơ.
“Trong quá trình doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn thì phải chịu từ 5-10% chi phí dự án, nếu sau tư vấn xong đến giai đoạn đấu thầu mà doanh nghiệp không trúng thầu thì chi phí tư vấn doanh nghiệp phải chịu mất vì không có cơ sở hoàn trả. Về tiền thuê đất, đã có cơ chế giảm 30% tiền thuê đất năm 2022-2023, tuy nhiên tiền thuê đất của mỏ năm 2023 so với năm 2022 vẫn tăng và doanh nghiệp vẫn phải nộp nhiều hơn. Sau đại dịch, doanh nghiệp đã chịu tổn thương rất nhiều nhưng sau đó lại gặp điều chỉnh như vậy lại gặp thêm khó khăn”, ông Minh thông tin.
Cũng theo vị này, với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thì quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng đang gây ra nhiều áp lực. Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng chỉ toàn cốt thép và tôn xi măng thì rất khó để gây cháy, nhưng việc áp dụng quy định PCCC như hiện nay là quá khó. Vì vậy tỉnh Quảng Nam cần có cơ chế giảm bớt các quy định để doanh nghiệp dễ hoạt động hơn.
>> Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam
Tại báo cáo mới nhất của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, hàng loạt khó khăn của nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, du lịch đã được nêu ra. Theo quan điểm của Hiệp hội, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ, các doanh nghiệp sẽ lâm cảnh bế tắc và tiến đến hoàn cảnh phá sản.
Đặc biệt với nhóm bất động sản, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng ách tắc từ khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Hiện nay, hầu hết các dự án đã hết tiến độ nhưng công tác gia hạn lại gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, vướng mắc từ khâu pháp lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoạt động tín dụng,... cũng đang hình thành áp lực lớn với các doanh nghiệp. Vì không được tháo gỡ, hàng loạt dự án đã lâm cảnh “bất động” không hẹn ngày hoàn thiện. Bất động sản im ắng cũng đã kéo theo nhóm doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn.
Với nhóm doanh nghiệp du lịch cũng lâm cảnh lao đao vì chứng nhận PCCC với các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm kinh doanh khác. Vấn đề này xuất phát từ quy định yêu cầu thiết bị cao, thời gian cấp kéo dài, chi phí tăng cao dẫn đến nhiều cơ sở chưa hoàn tất thủ tục và chưa đủ điều kiện hoạt động.
Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp “cứu” cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, với nhóm doanh nghiệp BĐS cần tháo “điểm nghẽn” từ khâu GPMB, tăng cường quản lý hiện trạng và nên làm rõ trách nhiệm của địa phương trong vấn đề này.
“Doanh nghiệp BĐS tại Quảng Nam đang trên bờ vực phá sản, cần phải có hành đồng tháo gỡ quyết liệt từ địa phương. Với những dự án trễ tiến độ xuất phát từ lỗi của địa phương trong GPMB, cần có phương án gia hạn tiến độ sớm, không cần lấy ý kiến các ngành không liên quan để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp”, ông Bảo đề xuất.
Ngoài ra, ông Bảo cũng kiến nghị các giải pháp tăng tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, hoàn trả tiền ký quỹ đối với các dự án chậm tiến độ do lỗi của địa phương, sửa đổi quy trình định giá đất, cho phép điều chỉnh quy hoạch 1/500,...
Với nhóm doanh nghiệp du lịch, ông Bảo kiến nghị tỉnh Quảng Nam có giải pháp cụ thể tháo gỡ hoặc giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, quy trình thủ tục để bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Đồng thời, địa phương có kiến nghị xem xét điều chỉnh, gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN Việt Nam về hoạt động tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đề nghị được giải quyết sớm trong quý I/2024 để có thể triển khai sớm, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
“Tiếp sức” cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam
09:36, 21/02/2024
Thêm phương án hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam
12:38, 11/01/2024
Doanh nghiệp Quảng Nam đóng ngân sách hơn 12 nghìn tỷ đồng
21:16, 10/10/2023
Tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam
10:47, 25/09/2023
Hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam: Nên bắt đầu từ đâu?
03:14, 02/08/2023
Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Quảng Nam sẽ làm những gì?
11:09, 17/05/2023
Doanh nghiệp Quảng Nam và cơ hội khai thác thị trường tiềm năng tại EU
13:32, 16/11/2022