“Tiếp sức” cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam

Diendandoanhnghiep.vn Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn cần được “tiếp sức” khi chưa phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh hoàn toàn vì nhiều khó khăn, thách thức chưa được tháo gỡ.

>>Kinh tế biển Quảng Nam “khó” ở đâu?

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hẹn ngày phục hồi hoàn toàn.

a

Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam

- Thưa ông, năm 2023 tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng âm lần đầu tiên và tình hình khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang kéo dài. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Như thông tin đã công bố, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của Quảng Nam giảm 8,25% so với năm 2022. Đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay, thấp nhất so với 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau tỉnh Bắc Ninh).

Trong đó, tốc độ tăng trưởng thấp chủ yếu do ngành công nghiệp - ngành chủ lực của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, đặc biệt là ô tô. Đây cũng là xu hướng chung đối với các tỉnh có giá trị công nghiệp lớn, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới.

Ngoài ra, do năm 2022, tốc độ tăng trưởng của tỉnh khá cao (10,3% - là mức tăng cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây) nên các năm sau để tăng trưởng 1% thì giá trị tổng sản phẩm GRDP là khá cao, rất khó để thực hiện.

- Vậy thì, các lĩnh vực cụ thể đang gặp những áp lực nào, thưa ông?

Nhìn rõ hơn, ngành công nghiệp giảm sâu so với năm trước, xây dựng gặp khó khăn do giá cả tăng cao vì thiếu nguyên vật liệu thông thường. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 21,7% so với năm 2022, riêng công nghiệp giảm hơn 24,3%.

Cùng với đó, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh thì phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức suy thoái toàn cầu, dẫn đến suy giảm nhu cầu tiêu dùng, thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn nguyên, vật liệu khan hiếm,... đã tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất. Riêng ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, bình quân giai đoạn 2021-2023, giá trị sản xuất chiếm 48% trong công nghiệp chế biến, chế tạo và hơn 22% so với tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh nhưng năm 2023 các chỉ số khối lượng sản xuất, khối lượng tiêu thụ, doanh thu đều giảm hơn 10%, dẫn đến chỉ số chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2023 giảm hơn 22,7%

Ngoài ra, hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do sức ép lạm phát, thiếu nguyên liệu đất đắp, giá cát tăng, tỷ giá, lãi suất gia tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao; tình hình xây dựng các dự án đầu tư tư khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều dự án nhà ở, thương mại dịch vụ chậm tiến độ; lĩnh vực kinh doanh bất động sản chưa phục hồi... dẫn đến tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm 3,1% so với năm 2022.

a

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Quảng Nam cũng lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy.

Với hoạt động thương mại - dịch vụ vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, kết quả thực hiện năm 2023 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ năm 2023 hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước hơn 71 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2022. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hơn 5,9 tỷ USD, tăng hơn 9%; trong đó, xuất khẩu hơn 2,3 tỷ USD, tăng 8,2%; nhập khẩu gần 3,6 tỷ USD, tăng 9,6%/năm. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng hàm lượng xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo với thị trường xuất khẩu được mở rộng hơn 60 quốc gia.

Điểm sáng lớn nhất là ngành du lịch có nhiều khởi sắc, khách du lịch nội địa và quốc tế đều tăng. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2022; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần. Doanh thu du lịch năm 2023 ước đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm trước. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỷ đồng.

- Như vậy, phía Hiệp hội đã có những kiến nghị, đề xuất nào đến với địa phương để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?

Trong thời gian qua, phía Hiệp hội đã liên tục rà soát, tổng hợp các ý kiến khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn để báo cáo đến UBND tỉnh, Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó, Hiệp hội cũng đề xuất các giải pháp cụ thể để cấp thẩm quyền sớm có phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản và xây dựng là những doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cần sớm có giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án dở dang, hoàn thiện đúng tiến độ. Các vướng mắc lớn nhất với 2 nhóm doanh nghiệp này chính là công tác gia hạn tiến độ, giải phóng mặt bằng vẫn tốn nhiều thời gian, nguồn nguyên vật liệu khan hiếm dẫn đến chi phí tăng cao. Ngoài ra còn một số yếu tố liên quan đến tình hình bất ổn chính trị thế giới, thị trường “đóng băng”,...

Bất động sản

Doanh nghiệp nhóm bất động sản và xây dựng là các đơn vị gặp nhiều khó khăn chưa thể tháo gỡ.

Vì vậy, Hiệp hội đã đề xuất các phương án về hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại các dự án đang triển khai, rút ngắn thời gian lấy ý kiến gia hạn tiến độ, các giải pháp về giãn thuế, giảm thuế, phí. Cùng với đó là đề xuất Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với các Ngân hàng TMCP mở thêm gói vay để doanh nghiệp có thêm kinh phí trang trải trong bối cảnh hiện nay.

Và mới đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã có ý kiến giao các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ, căn cứ theo đề xuất giải pháp của Hiệp hội để nghiên cứu, xem xét các nội dung liên quan để giải quyết theo thẩm quyền. Đối với các nội dung vượt thẩm quyền thì báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết cụ thể. Qua đây, hy vọng sẽ có những phương án cụ thể hơn để “tiếp sức” cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

- Ở cương vị là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, ông kỳ vọng thế nào về tình hình tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới?

Dĩ nhiên là tôi kỳ vọng tất cả các giải pháp đề xuất sẽ được thông qua và nhanh chóng triển khai bởi hiện nay áp lực đối với cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn. Nếu như sớm có thêm “trợ lực”, các doanh nghiệp sẽ yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, tinh thần thoải mái thì “sức khỏe” của doanh nghiệp mới có thể sớm phục hồi.

Từ việc doanh nghiệp hồi phục “sức khỏe”, các đơn vị sẽ quay trở lại đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Cùng với đó, sát cánh với địa phương trong công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người lao động, từng bước tạo nên một “bức tranh tươi sáng” cho Quảng Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết “Tiếp sức” cho cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam tại chuyên mục Kinh tế địa phương của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714316703 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714316703 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10