Đức, trụ cột kinh tế vững chãi nhất của châu Âu, đang lung lay khiến thế giới càng thêm lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Những Berlin đang làm tất cả để ngăn chặn điều đó.
Quãng thời gian qua là một giai đoạn u ám của nền kinh tế thế giới. Hết Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giảm phát, đến Đức – quốc gia phát triển nhất châu Âu – cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chứng kiến 3 quý liên tiếp ngừng tăng trưởng, các chuyên gia đang cảnh báo về một đợt suy thoái nghiêm trọng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Bất chấp việc đã phần nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng, nước Đức vẫn đang đối mặt với một loạt vấn đề cốt lõi, từ dân số già cho tới cơ sở hạ tầng xuống cấp, lãi suất cao và thương mại toàn cầu chững lại.
>> Kinh tế Đức đang đi vào "vết xe đổ" của hơn 20 năm trước?
IMF và OECD đều dự báo Đức sẽ là quốc gia phát triển có tình trạng kinh tế kém nhất thế giới trong năm nay. Một lý do rất lớn là sự suy thoái toàn cầu trong sản xuất đã khiến ngành công nghiệp Đức - đóng góp 1/5 tổng sản lượng – bị đình trệ.
Giá gas và điện của Đức đã giảm kể từ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều nước ngoài châu Âu, trong khi đây lại là nơi tiêu thụ điện nhiều nhất châu lục. Kết quả, các ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiều năng lượng, như hóa chất, thủy tinh và giấy, đã giảm 17% sản lượng kể từ đầu năm ngoái, theo tờ Financial Times. Chưa kể, ngành công nghiệp ô tô Đức dường như đang chậm chân trước các đối thủ Mỹ và Trung Quốc trong tiến trình điện hóa mạnh mẽ.
Bàn về các nguyên do, những vấn đề về cơ cấu nền kinh tế mới được cho là nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức chao đảo, vốn đã manh nha từ năm 2017 trước khi trở nên tồi tệ hơn do tác động của Covid-19.
Đó là khả năng cạnh tranh ngày càng bị xói mòn do chi phí lao động tăng cao, thuế cao, tình trạng quan liêu ngột ngạt và thiếu số hóa trong các dịch vụ công, theo các chuyên gia. Điều này được chứng minh bằng việc năng lực cạnh tranh của Đức đã tụt xuống vị trí thứ 22 trên tổng số 64 quốc gia lớn, một kết quả khó chấp nhận khi họ luôn giữ một vị trí trong top 10 ở thập kỷ trước.
Viện ZEW gần đây đã gọi Đức là “một quốc gia có thuế cao đối với đầu tư”, chỉ ra rằng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 28,8%, cao hơn nhiều so với mức trung bình 18,8% của EU vào năm ngoái.
Nhận thấy các lỗ hổng trong cơ cấu nền kinh tế, chi phí nhân công cao hay các rào cản hành chính khác, chính phủ Đức đã sẵn sàng thay đổi.
Khi được hỏi chính phủ sẽ làm gì để cứu vãn nền kinh tế? Thủ tướng Olaf Scholz cho biết chính phủ của ông đang thiết lập nhiều dự án “cụ thể sắp xảy ra” với “một tốc độ đáng kinh ngạc” để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tăng cường cung cấp lao động.
Những tín hiệu khởi sắc cho ngành công nghiệp tương lai của Đức cũng bắt đầu xuất hiện. Các nhà sản xuất chip Intel và TSCM – tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đã trình bày kế hoạch xây dựng các nhà máy rộng lớn ở Đức – mặc dù những nhà máy này chỉ được đảm bảo nhờ khoản trợ cấp khoảng 15 tỷ euro.
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Berlin đang đi đúng hướng bằng cách cố gắng giải quyết các vấn đề cơ cấu thay vì đưa ra các biện pháp kích thích tài chính ngắn hạn.
Ông Holger Schmieding, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg của Đức, cho biết: “Chính phủ Đức đang giải quyết một số vấn đề quan trọng”, trong đó sửa đổi một số đạo luật nhằm đẩy nhanh các khoản đầu tư ưu tiên và thu hút nhiều lao động lành nghề hơn từ nước ngoài.
>> Eurozone gặp khó, xuất khẩu Việt Nam sẽ ra sao?
Một số nhà kinh tế cũng tin tưởng rằng Đức sẽ không duy trì trạng thái trì trê trong thời gian dài, cho rằng những khó khăn mang tính chu kỳ của nước này sẽ giảm bớt khi giá năng lượng đi xuống và xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi.
Ông Florian Hense, nhà kinh tế cấp cao tại công ty quản lý quỹ Union Investment, cho biết: “Tôi có thể nói rằng sự bi quan là quá mức” và dự báo tăng trưởng của nước này sẽ trở lại mức trung bình 1,5% của khu vực đồng euro vào năm 2025.
Mảng tiêu dùng của thị trường Đức cũng có triển vọng phục hồi khi tiền lương ở nước này đã tăng hơn 5%, trong khi lạm phát được dự báo sẽ giảm một nửa xuống còn 3% vào năm 2024. Ông Jörg Krämer, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Commerzbank của Đức cho biết: “Tiền lương thực tế tăng là một trong những lý do chính khiến chúng tôi nghĩ rằng sẽ chỉ có một cuộc suy thoái nhẹ”.
Một số người tin rằng những khó khăn kinh tế hiện nay sẽ buộc chính phủ phải giải quyết những khó khăn trên thị trường lao động và những cải cách về phía cung. Điều đó có thể mở ra một kỷ nguyên mới về hiệu quả vượt trội như cách nước này đã từng làm vào thập niên 1990.
Dù vậy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn phải đối mặt với những bất đồng trong liên minh cầm quyền 3 bên của mình. Gần đây nhất, các Bộ trưởng đảng Xanh trong tháng 8 đã phủ quyết một đề xuất của Bộ trưởng tài chính theo chủ nghĩa tự do, Christian Lindner, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bằng cách giảm thuế cho các công ty vài tỷ euro mỗi năm.
Những rào cản chính trị, cùng với chiến sự Nga – Ukraine khó đoán hay triển vọng mờ mịt của kinh tế Trung Quốc, tất cả đều là những rào cản lớn đối với đà phục hồi của cường quốc kinh tế số một châu Âu.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu khó thắt chặt lại quan hệ với Trung Quốc
03:30, 14/08/2023
Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc
04:34, 01/08/2023
Pháp nổi lên như một trung tâm tiền điện tử tại châu Âu
04:50, 29/07/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Những lỗ hổng “chết người” của châu Âu
04:30, 23/06/2023
Nguy cơ suy thoái kép ở Eurozone
04:00, 29/11/2020
Eurozone bên bờ vực khủng hoảng
11:02, 09/06/2018