Du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng phát triển nhanh tại Việt Nam và trên thế giới, tuy nhiên dưới những tác động của hoạt động du lịch cần có các giải pháp cụ thể để có thể phát triển bền vững.
>>Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Việt Nam “ta rừng vàng biển bạc”, là một quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng dồi dào cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng trên phục vụ cho phát triển du lịch một cách hiệu quả mà vẫn bảo vệ được môi trường sinh thái đòi hỏi rất nhiều yếu tố khi mà phát triển du lịch có tác động lớn đến môi trường tự nhiên.
Với hơn 3.200km bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam, Việt Nam có hàng trăm bãi tắm đẹp với những bãi cát mịn và làn nước xanh, như bãi tắm Vũng Tàu, Trà Cổ, Nha Trang, Bãi Cháy, cùng các đảo và quần đảo rộng lớn, như Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa…Cùng với đó là 164 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích gần 2,3 triệu ha có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa. Kết hợp các yếu tố tự nhiên và văn hóa này du lịch Việt Nam đang trở thành một điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bài toán đặt ra phát triển du lịch đang có tác động lớn đến môi trường tự nhiên.
Phát triển du lịch kéo theo việc xây dựng kết cấu hạ tầng khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch để phục vụ cho các hoạt động của du khách và doanh nghiệp, người dân địa phương. Sự phát triển này dẫn đến xâm lấn đất đai và mất đi quỹ đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường sống, mất cảnh quan và đa dạng sinh học…
Nhiều chuyên gia đánh giá, phát triển du lịch sinh thái cần một “nhạc trưởng”, cần có những “ông lớn” thực sự có khả năng phát triển du lịch sinh thái địa phương một cách đúng nghĩa. Bởi chỉ nói riêng về việc sử dụng tài nguyên đất, rừng cho các công trình này cũng cần một bài toán cụ thể đảm bảo tính nguyên sơ của tự nhiên, chống xói mòn, sạt lở đất, hạn chế dầu thải, chống ô nhiễm nguồn nước, vv... hàng loạt các yếu tố đặt ra tác động rất lớn đến môi trường.
>>Thái Bình: Nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp
Tuy nhiên, du lịch sinh thái được đánh giá là loại hình du lịch có xu hướng phát triển nhanh trên thế giới, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Theo Tổ chức du lịch sinh thái quốc tế, du lịch sinh thái là du lịch có ý thức và trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên, như bảo tồn môi trường và bảo đảm lối sống lành mạnh cho người dân quanh khu vực, hiện đại hóa nông thôn,...
Trước những tác động đặt ra của hoạt động du lịch với môi trường sinh thái, ThS. Bùi Minh Nguyệt – Trường Đại học Lâm Nghiệp đưa ra ba giải pháp ưu tiên. Cụ thể:
Thứ nhất, khai thác và sử dụng nguồn lực một cách bền vững, giảm sự tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải để đảm bảo sự duy trì về đa dạng thiên nhiên và xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa.
Thứ hai, phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển sinh kế địa phương, đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng cư dân, và đào tạo phát triển nhân lực tham gia vào phát triển du lịch sinh thái. Hướng tới những người làm du lịch đều có trách nhiệm và đảm bảo đủ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tiếng dân tộc, tiếp cận công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái.
Thứ ba, coi trọng các nghiên cứu và tiếp thị có hiệu quả, trách nhiệm. Trong đó chú trọng tốt việc xây dựng có quy hoạch, giảm thiểu tối đa tác động môi trường và giữ nguyên được các giá trị vốn có của thiên nhiên, điều này đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái để du khách được tận hưởng. Công tác tuyên truyền chú trọng vieech kêu gọi tính tự giác của nhân dân nơi có cảnh quan du lịch.
Do đó, muốn phát triển du lịch cần chú trọng bảo vệ tổng hợp cả môi trường du lịch tự nhiên, môi trường du lịch nhân văn và môi trường du lịch kinh tế – xã hội.
Có thể bạn quan tâm