Theo chuyên gia, việc bơm - hút tiền của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là nhằm điều tiết các hoạt động của thị trường liên ngân hàng đi đúng hướng cơ quan điều hành mong muốn.
>>Bình thường hóa tiền tệ và dư địa cho tỷ giá
Điều tiết chính sách linh hoạt
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tiến hành bơm một khoản tiền lên tới 5.952,27 tỷ đồng vào thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), với mức lãi suất ưu đãi 4%/năm cho kỳ hạn 7 ngày. Điều này nhằm mục đích cung cấp thêm nguồn vốn lưu động cho các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ trong bối cảnh nhu cầu vốn gia tăng.
Trước đó, NHNN đã thực hiện việc hút ròng 171.700 tỷ đồng qua 16 phiên phát hành tín phiếu, nhằm hấp thụ lượng tiền mặt dư thừa trong hệ thống ngân hàng. Chiến lược này nằm trong loạt biện pháp nhằm điều tiết lượng tiền lưu thông và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính. Đồng thời cho thấy NHNN đang chủ động áp dụng các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, để đối phó với các biến động của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital bình luận, trong hệ thống liên ngân hàng, các khoản vay chủ yếu dựa trên tín chấp, không yêu cầu tài sản đảm bảo trừ một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, khi một ngân hàng đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và không thể tiếp cận nguồn vay từ các ngân hàng khác, họ buộc phải tăng lãi suất lên cao để thu hút vốn.
Chúng ta cũng thấy, đối với hoạt động bơm tiền của NHNN mới đây, số thành viên tham gia trúng thầu chỉ có một ngân hàng và kỳ hạn là 7 ngày. Như vậy, mục đích chính là cung cấp thanh khoản cho ngân hàng đang bị thiếu thanh khoản tạm thời trong 7 ngày, tránh tình trạng ngân hàng đó phải đẩy lãi suất lên cao, thậm chí là không có ngân hàng nào cho vay.
Đối với hoạt động hút tín phiếu liên tiếp vừa qua, đã tạo ra sự tác động rõ rệt đến thị trường liên ngân hàng, khi khối lượng tín phiếu hút về càng tăng thì lãi suất càng tăng. Mặc dù giai đoạn đầu còn thấp, nhưng những ngày gần đây đã tăng trở lại.
“Có thể nói, việc vừa bơm vừa hút như đã nêu thì các hoạt động của thị trường liên ngân hàng sẽ chạy đúng trong khung mà NHNN mong muốn”, ông Tuấn giải thích.
>>Lạm phát, tỷ giá và biến động địa chính trị - Lưu ý rủi ro nào?
Việc bơm - hút tiền của NHNN cũng đã, đang có những tác động lên tỷ giá.
Tại phiên giao dịch 2/4, tỷ giá tại nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt vượt mốc 25.000 đồng. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãi suất bán ra tại ngân hàng Vietcombank đã tăng lên 25.050 VND/USD được niêm yết trong chiều ngày 2/4 và duy trì trong sáng 3/4, còn chiều mua vào là 24.680 VND/USD (tiềm mặt) và 24.710 VND/USD (chuyển khoản).
Thực tế, tỷ giá tăng trong bối cảnh chỉ số đồng USD (DXY) đã vượt qua ngưỡng quan trọng 105 điểm và là mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023. Sự tăng giá này được ghi nhận sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - Jerome Powell về việc không vội vàng thay đổi chính sách lãi suất hiện tại.
Động thái này làm dấy lên những suy đoán rằng, Fed có thể tiếp tục duy trì một lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ, nhằm đối phó với các thách thức về lạm phát.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế nhận định, dù Việt Nam đang chứng kiến áp lực tăng lên đối với VND, nhưng điều này không đe dọa đến ổn định kinh tế vĩ mô. So sánh với đồng USD, mức giảm giá của VND vẫn thấp hơn đáng kể so với các đồng tiền khác trong khu vực. Điển hình là đồng Baht của Thái Lan ghi nhận mức giảm giá mạnh nhất với tỷ lệ giảm lên đến 5% kể từ đầu năm. Đồng Ringgit của Malaysia và Won của Hàn Quốc cũng ghi nhận sự giảm giá đáng kể, lần lượt là 3,8% và 3,1%.
Theo dự báo từ nhóm chuyên gia tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, áp lực tỷ giá dự kiến sẽ giảm bớt trong thời gian tới, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất từ cuối quý II/2024. Điều này giúp sự chênh lệch về lãi suất giữa USD và VND thu hẹp và hạn chế tình trạng đầu cơ tỷ giá.
Có thể bạn quan tâm
16:11, 28/03/2024
17:02, 27/03/2024
16:45, 02/04/2024