Khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản nói chung trên thị trường, đang phản ánh vào giá cổ phiếu và diễn biến trên thị trường trong suốt thời gian qua.
Các chủ doanh nghiệp bất động sản tiếp tục bị bán giải chấp cổ phiếu
Hàng loạt cổ phiếu tiếp tục giảm kịch sàn trong phiên tăng điểm của thị trường chứng khoán (TTCK) phiên 8/11. Nhóm bất động sản, với khó khăn từ tắc vốn tín dụng và tắc vốn trái phiếu, đồng loạt giảm sàn.
Kết phiên 8/11, cổ phiếu NVL dừng lại mốc 51.900 đồng/cp, Tương tự, PDR cũng giảm hết biên độ ngay từ đầu phiên xuống 32.500 đồng/cp, đánh dấu phiên giảm giá thứ 14 liên tiếp của cổ phiếu bất động sản này.
Các cổ phiếu khác trong nhóm bất động sản như như CTD, HPX, ITC, DRH, DIG, DXG, QCG, TDC cũng đã giảm về mức giá sàn, với khối lượng dư bán sàn tại DIG là hơn 27 triệu đơn vị.
Đối với 2 cổ phiếu bất động sản dẫn đầu ngành trong rổ VN30, xét về tình hình kinh doanh quý 3/2022, NVL ghi nhận doanh thu thuần 3.279 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần NVL đạt 7.894 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.054 tỷ đồng.
Trong khi đó, báo cáo tài chính quý 3/2022, của PDR ghi nhận doanh thu 1.260 tỷ đồng, mang đến lợi nhuận trước thuế 9 tháng lên đến 1.790 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2021.
>>> Tìm cơ hội đầu tư trong bất ổn
Kết quả kinh doanh này đã phần nào được dự đoán trước theo chiến lược tái cơ cấu danh mục đầu tư của PDR. Cụ thể, ngày 23/06/2022, HĐQT Công ty đã thông qua chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Địa ốc SG-KL. Theo đó, trong quý 3/2022, Phát Đạt đã hoàn thành việc chuyển nhượng 46% cổ phần cho đối tác và ghi nhận 1.250 tỷ đồng doanh thu tài chính.
Vào ngày 18/10/2022, Phát Đạt tiếp tục chuyển nhượng thêm 26% cổ phần của Địa ốc SG-KL, dự kiến sẽ được ghi nhận trên báo cáo tài chính quý 4/2022.
Trong nhóm blue-chips, bộ đôi VIC - VHM thường gây áp lực rất lớn cho VN-Index nếu vào đà giảm song trong phiên 8/9, kết phiên ở quanh giá tham chiếu.
Tuy vậy, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản nói chung trên thị trường, vẫn đang phản ánh vào giá cổ phiếu và diễn biến trên thị trường trong suốt thời gian qua. Với những diễn biến vừa qua, có thể thấy, trái phiếu là một kênh huy động vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. Song, kênh huy động vốn này đã gặp khó kể từ khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Do đó, dòng vốn chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt tín dụng hơn, đặc biệt là dòng vốn chảy vào các hoạt động kinh doanh bất động sản cũng gây ra khó khăn, các kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn của nhiều doanh nghiệp tạm dừng... tổng thể gây áp lực lên việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.
Tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng với các doanh nghiệp lớn của ngành bất động sản phía Nam, các doanh nghiệp lớn đã báo cáo hiện một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô dừng hoạt động đầu tư, một số dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn… Như vậy điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo các chuyên gia, do “tắc” tín dụng, tắc vốn “trái phiếu” và cả kênh huy động từ khách hàng nên các doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” phải vay với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng)… Đây chính là những nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu này tiếp tục nằm sàn kể cả những ông lớn. Trong khi chờ đợi những giải cứu từ thị trường, nhà đầu tư hiện vẫn tiếp tục đứng ngoài với nhóm cổ phiếu bất động sản.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu IPA giảm sâu do lãi trái phiếu và chi phí doanh nghiệp tăng
05:26, 04/11/2022
"Ôm" cổ phiếu HPG, nhiều doanh nghiệp phải trích lập dự phòng
05:18, 03/11/2022
Cổ phiếu Vinamilk bứt phá vượt đỉnh 9 tháng, dẫn dắt thị trường tăng điểm
15:25, 01/11/2022
Cẩn trọng “bẫy tăng giá” cổ phiếu
16:30, 31/10/2022