Tài chính cá nhân (Bài 6): Căn cứ vào đâu để mua bảo hiểm nhân thọ?

Lâm Minh Chánh - Chuyên gia Tài chính - Sáng lập Trường Quản trị Kinh doanh BizUni 11/05/2020 05:50

Đa số khách hàng có thể so sánh sản phẩm tiền gửi của các ngân hàng bằng các sản phẩm cùng kỳ hạn. Nhưng rất ít người có thể so sánh sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

BHNT được tạo ra để con người có thể bù đắp hỗ trợ lẫn nhau khi rủi ro xảy ra. Xin lấy 1 ví dụ dễ hiểu: Có 1.000 người, và theo thống kê, thì trong năm sẽ có 3 người chết. Thay vì ngồi chờ rủi ro xảy ra, một ngàn người này chủ động bảo vệ trước rủi ro bằng cách mỗi người đóng vào quỹ chung 1 đồng, sẽ được tất cả là 1.000 đồng. Khi rủi ro tử vong xảy ra với 3 người nào đó, thì 1.000 đồng này sẽ được chia đều cho gia đình của 3 người này. Mỗi gia đình của họ sẽ được nhận 333 đồng. Như vậy 1 đồng đã được bỏ ra để mua sự an tâm. 

Bảo hiểm nhân thọ đòi hỏi người phải có kỷ luật ngân sách để đảm báo đóng đúng hạn, giữ được giá trị hợp đồng

Bảo hiểm nhân thọ đòi hỏi phải có kỷ luật ngân sách để đảm bảo đóng đúng hạn, giữ được giá trị hợp đồng

Cách vận hành của công ty BHNT

Thay vì 1.000 người tự nguyện hợp tác với nhau để chia sẻ rủi ro như vậy, thì công ty BHNT sẽ thực hiện việc thu mỗi người 1 đồng hàng năm và thực hiện việc đền bù này. Đương nhiên công ty BHNT phải trích từ quỹ chung này 1 phần tiền cho chi phí và lợi nhuận của họ.

Công ty BHNT phải thẩm định tuổi, sức khoẻ, hoàn cảnh sống của những người tham gia bảo hiểm để đảm bảo rằng họ có cùng mức rủi ro. Trong ví dụ trên, nếu trong 1.000 người đó, có người cao tuổi hơn, hoặc có sẵn các loại bệnh nguy hiểm… tức là tỷ lệ tử vong không phải ở mức 3/1000, mà là 4/1000, 5/1000 hoặc 6/1000 thì họ phải được đưa vào nhóm 1.000 người khác, có tỷ lệ tử vong và mức phí cao hơn tương ứng.

Hành vi của những người có tỷ lệ rủi ro tử vong cao mà không “khai báo” thành thật với công ty BHNT nhằm mục đích được mua bảo hiểm ở mức phí thấp hơn, gọi là “Anti Selection” (lựa chọn đối nghịch). Công ty BHNT không thích khách hàng Anti Selection, và sẽ không đền bù khi có bằng chứng rõ ràng về hành vi Anti Selection của khách hàng.

Trở lại ví dụ 1.000 người góp 1 đồng. Sản phẩm đó gọi là sản phẩm Tử kỳ (từ tiếng Anh là Term Life). Gia đình khách hàng được nhận 333 đồng nếu rủi ro xảy ra, và mất 1 đồng nếu rủi ro không xảy ra.

Thế nhưng, nhiều khách hàng không thích mất 1 đồng này. Họ muốn được bảo hiểm nhưng lấy lại tiền mà họ đã đóng vào công ty BHNT. Vì thế, ngoài sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, các công ty BHNT phát triển thêm các sản phẩm BHNT khác. Thay vì chỉ thu 1 đồng cho Bảo hiểm, họ thu thêm nhiều đồng nữa, giả sử là 20 đồng.

Khi công ty BHNT thu 20 đồng hàng năm và thu trong nhiều năm (10 năm, 15 năm, 20 năm hay trọn đời), thì hàng năm họ sẽ có 1 đồng để lo cho việc rủi ro, x đồng cho chi phí, y đồng cho lợi nhuận, và (19-x-y) đồng để đầu tư dài hạn vào các công cụ đầu tư như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư…

Nhờ vào việc đầu tư này mà tổng số tiền vào cuối hợp đồng của khách hàng sẽ lớn hơn so với số phí mà khách hàng đã đóng vào. Và vì thế, khách hàng cũng thích hơn. Họ không có cảm giác bị mất phí cho bảo hiểm như trường hợp sản phẩm bảo hiểm tử kỳ. Không chỉ được bảo hiểm, họ còn được nhận lại tiền gốc cộng lãi.

Công ty BHNT gọi các sản phẩm BHNT truyền thống là Bảo vệ + Tiết kiệm, các sản phẩm BHNT liên kết đầu tư là Bảo vệ + Đầu tư.

So sánh BHNT với tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ quỹ đầu tư

Nếu người mua cho rằng, bản thân mình không có bất kỳ rủi ro nào (tử vong, thương tật toàn bộ, bệnh hiểm nghèo…) thì tỷ lệ lợi nhuận của BHNT truyền thống sẽ thấp hơn tiền gửi ngân hàng, tỷ lệ lợi nhuận của BHNT liên kết đầu tư sẽ thấp hơn việc đầu tư trực tiếp vào chứng chỉ quỹ đầu tư.

Nhưng nếu rủi ro xảy ra, mà chắc chắn rủi ro sẽ xảy ra với một số người ngẫu nhiên nào đó, thì người mua hoặc gia đình của họ sẽ nhận được 1 khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với số tiền họ đã đóng vào. Sản phẩm tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ quỹ đầu tư hoàn toàn không có lợi ích này.

Một điểm lợi nữa của BHNT là sự đóng phí bắt buộc định kỳ: Hàng tháng, hàng quý hay hàng năm. Đối với ngân hàng thì hàng năm khách hàng muốn gửi bao nhiêu thì gửi, muốn rút ra bao nhiêu thì rút. Đối với chứng chỉ quỹ đầu tư cũng vậy, khách hàng muốn mua hay bán thoải mái. Việc này tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng, nhưng cũng là một trở ngại cho việc tạo ra một số tiền lớn trong tương lai.

Nhưng đối với BHNT thì khác. Khách hàng phải đóng tiền vào đều đặn, nếu ngừng đóng thì hợp đồng bị giảm mệnh giá, hoặc cao hơn là bị mất hiệu lực. Nói cách khác, khách hàng bị buộc phải tiết kiệm/ đầu tư vào BHNT một cách có kỷ luật.

Đối với BHNT, khách hàng cũng không được rút tiền một cách thoải mái. Nếu rút sớm, khách hàng chỉ nhận được 1 phần của phi đã đóng vào. Chỉ khi hợp đồng đáo hạn thì khách hàng mới nhận được giá trị lớn nhất của hợp đồng.

Như vậy, BHNT đã vận hành theo đúng nguyên tắc của Bài 1: "Tiết kiệm ra sao để có một gia tài?". Chính vì thế mỗi chúng ta nên dành 5%-15% thu nhập của mình vào những sản phẩm BHNT phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu.

So sánh các sản phẩm BHNT

Một trong những vấn đề được khách hàng quan tâm là so sánh giá trị, lợi ích của các sản phẩm BHNT. Đa số khách hàng có thể so sánh sản phẩm tiền gửi của các ngân hàng bằng cách so sánh lãi suất tiền gửi của các sản phẩm cùng kỳ hạn. Nhưng rất ít khách hàng có thể so sánh sản phẩm BHNT.

Có nhiều lý do dẫn đến việc này, cụ thể: Các công ty BHNT thiết kế sản phẩm khác nhau, mỗi sản phẩm chọn những điểm ưu việt riêng, nên rất khó đưa về 1 hệ quy chiếu để so sánh.

Sản phẩm BHNT có 2 giá trị chính: Đền bù khi rủi ro, và giá trị nhận lại khi đáo hạn. Với cùng 1 lứa tuổi, sức khoẻ chuẩn, các công ty BHNT sẽ thiết kế mức phí bảo hiểm khác nhau và đền bù khi các rủi ro xảy ra khác nhau.

Về giá trị đáo hạn, nếu khách hàng biết tách phí dành cho bảo hiểm, rồi đưa dòng tiền phí đóng và các dòng tiền nhận được khi đáo hạn vào công thức IRR, sẽ tính được tỷ suất lợi nhuận của dòng tiền đầu tư. Nhưng, khổ nỗi, các giá trị nhận được khi đáo hạn, liệt kê trong bảng minh hoạ, không phải là những con số cố định. Chúng chỉ là những dự đoán, và sẽ thay đổi theo kết quả đầu tư thật của các công ty.

Vì thế, việc so sánh hai giá trị chính của các sản phẩm BHNT cần có kiến thức cơ bản và cũng chỉ cho giá trị tương đối.

Trên thực tế, ngoài hai giá trị chính của BHNT, khách hàng ra quyết định mua dựa trên những yếu tố sau: uy tín, thương hiệu của công ty BHNT; được tư vấn đúng thời điểm có nhu cầu; và sự tư vấn của các chuyên viên/ đại lý BHNT. Thực tế cho thấy chuyên viên nào tạo được niềm tin từ khách, giúp cho khách hàng hiểu về BHNT, không nói sai sự thực, và tư vấn đúng sản phẩm BHNT phù hợp cho khách hàng, sẽ là người được chọn.

Có thể bạn quan tâm

  • [Tài chính cá nhân] Bài 5: Vì sao vàng nên có trong danh mục đầu tư?

    [Tài chính cá nhân] Bài 5: Vì sao vàng nên có trong danh mục đầu tư?

    11:30, 07/05/2020

  • [Tài chính cá nhân] Bài 4: Chơi casino và đầu tư ngắn hạn vì sao thua nhiều hơn thắng?

    [Tài chính cá nhân] Bài 4: Chơi casino và đầu tư ngắn hạn vì sao thua nhiều hơn thắng?

    11:03, 01/05/2020

  • [Tài chính cá nhân] Bài 3: Đầu tư vào doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả?

    [Tài chính cá nhân] Bài 3: Đầu tư vào doanh nghiệp thế nào cho hiệu quả?

    05:15, 07/04/2020

  • [Tài chính cá nhân] Bài 2: Nhận diện và phòng ngừa rủi ro trong đầu tư

    [Tài chính cá nhân] Bài 2: Nhận diện và phòng ngừa rủi ro trong đầu tư

    06:30, 24/03/2020

  • [Tài chính cá nhân] Bài 1: Tiết kiệm ra sao để có một... gia tài?

    [Tài chính cá nhân] Bài 1: Tiết kiệm ra sao để có một... gia tài?

    06:11, 18/03/2020

  • Quản lý tài chính cá nhân để khởi nghiệp như thế nào ?

    Quản lý tài chính cá nhân để khởi nghiệp như thế nào ?

    04:16, 23/05/2019

  • Cách quản lý tài chính cá nhân

    Cách quản lý tài chính cá nhân

    04:08, 12/03/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tài chính cá nhân (Bài 6): Căn cứ vào đâu để mua bảo hiểm nhân thọ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO