Trong tuần qua, xung đột chưa hề hạ nhiệt khiến chiến sự Nga – Ukraine trở thành tâm điểm. Cùng với đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây mà điển hình là cắt Nga khỏi SWIFT… đã chính thức bắt đầu.
Nga bị ngắt SWIFT, thanh toán quốc tế của ngân hàng Việt có bị tác động?
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh thông tin trên trang cá nhân sau một bài viết: Sau một thời gian ngắn “phản ứng” với lệnh cắt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (gọi tắt là SWIFT), lo ngại leo thang khiến khách hàng quốc tế có thể gặp khó khăn trong thanh toán đã xảy ra. Trước khó khăn bủa vây, các nhà xuất khẩu như ông Thông đã phải gọi điện liên tục, suốt ngày đêm để giục khách hàng - bạn hàng nước ngoài trả tiền hàng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông cho biết thêm, cho đến hiện tại thì khoảng 90% khách hàng phương Tây sẽ thanh toán, 50% khách hàng đã trả tiền cho Phúc Sinh. Hai lý do để Phúc Sinh có thể thuận lợi trong ưu tiên thanh toán là:
“Thứ nhất, trước nay Phúc Sinh đã xây dựng được hệ thống khách hàng đại đa số là các doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu ở Mỹ và phương Tây (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha)… họ có năng lực tài chính tốt và vô cùng năng động, linh hoạt, trọng uy tín và tất nhiên cũng lựa chọn để làm đối tác với các đối tác uy tín. Nhờ khách hàng chủ yếu là phương Tây nên lệnh hạn chế thanh toán quốc tế với thị trường Nga, đối với Phúc Sinh tạm thời không ảnh hưởng trực tiếp như khách hàng giao dịch trực tiếp với Nga.
“Thứ hai, bản thân Phúc Sinh trong những năm qua đã xây dựng vị trí và hình ảnh của một doanh nghiệp quốc tế làm ăn uy tín, luôn giữ tín hàng đầu trong cam kết chất lượng, sản phẩm. Do đó, Phúc Sinh có tiếng nói và vị trí được khách hàng quốc tế tôn trọng. Thậm chí khi cần thiết và phía đối tác không giữ chữ tín, Phúc Sinh cũng sẵn sàng ứng xử theo đúng thông lệ, theo luật quốc tế, làm ăn sòng phẳng, win-win, ngang hàng với các doanh nghiệp quốc tế. Doanh nghiệp nước ngoài vì vậy cũng khó “chây ì” với Phúc Sinh”, ông Thông cho biết.
Được biết, năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có khách hàng đã lấy cớ để không thanh toán và Phúc Sinh đã khiếu kiện doanh nghiệp này ra Hội đồng Trọng tài quốc tế ở London. Sau đó, đã thu hồi được cả tiền gốc lẫn tiền phạt, phí thưa kiện mà trọng tài đã phán quyết phía doanh nghiệp quốc tế phải thanh toán.
Phản ứng nhanh lẹ ngay khi có “biến”; đồng thời trên cơ sở nền tảng làm ăn có uy tín, thương hiệu, win-win và có cả sự cứng rắn, thượng tôn pháp luật theo chuẩn một doanh nghiệp quốc tế, có lẽ đó là điều mà ông Thông muốn chia sẻ đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các nhà xuất khẩu nói riêng, trong bối cảnh mà chiến sự Nga – Ukraine dường như đang trở thành một “cơn lốc xoáy” có nguy cơ thổi bay mọi mối hợp tác làm ăn, xấu hơn là các hợp đồng hiện hữu của nhiều doanh nghiệp tại các thị trường này.
Đồng rúp bốc hơi mạnh, Nga tăng lãi suất đột biến lên 20%
Một phản ứng như chính ông Thông chia sẻ, xuất phát từ cảm nhận “chúng ta tưởng chiến tranh ở đâu xa, nhưng thực ra ở ngay bên nhà mình”. Nga bị cắt SWIFT tưởng không có hệ lụy gì đến Việt Nam, các hãng tàu quốc tế mà cụ thể mà 3 hãng tàu lớn toàn cầu đã cắt chuyến đến – đi hàng thiết yếu với thị trường Nga, tưởng không ảnh hưởng gì đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam do chúng ta chỉ có kim ngạch thương mại chưa tới 8 tỷ USD cùng thị trường này; song thực tế, mỗi doanh nghiệp trong vị trí đã vươn ra làm ăn với thế giới, dù ở góc này hay góc khác, đều đã chịu sự rung động hoặc trực tiếp gặp thách thức, khó khăn.
Có thể nói một cách ngắn gọn là tiếng nổ tại chiến sự Nga – Ukraine, và kéo theo là các đòn trừng phạt từ Mỹ và Phương Tây đối với Nga, đang tạo ra dư chấn lan xa, mà dư chấn tùy mức độ tiếp cận gần hay xa, nặng hay nhẹ, đều có thể khiến nhiều doanh nghiệp thương tổn.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tuần qua đã có văn bản hỏa tốc gửi một số ngân hàng thương mại liên quan đến tình hình quan hệ với Nga trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong văn bản, NHNN cho biết trong bối cảnh Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) tăng cường các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đối mặt một số tác động tiêu cực, nhất là các tổ chức hiện đang có liên quan hoặc hợp tác trực tiếp với tổ chức tài chính quốc tịch Nga.
Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo NHNN khẩn trương rà soát hoạt động thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nga thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Theo đó, để có cơ sở báo cáo lãnh đạo Chính phủ, NHNN đề nghị một số ngân hàng báo cáo về: Tình hình hợp tác với thị trường Nga (Quan hệ đại lý, doanh số thanh toán, chuyển tiền, các dự án hợp tác, khó khăn, vướng mắc,...); Báo cáo về các tác động của lệnh trừng phạt Nga đối với việc xử lý giao dịch cho khách hàng, đặc biệt về tình hình công nợ hai chiều. Đồng thời các ngân hàng này đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán chuyển tiền với thị trường Nga trong thời gian tới.
Trong một động thái khác, nông sản của Việt Nam vào thị trường Nga và Ukraine, với kim ngạch 500 triệu USD/ năm, đang là ngành hàng được Bộ Công Thương hết sức quan tâm. Bộ này đã phối hợp với NHNN để có phương án hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.
Đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây với Nga, Bộ Công Thương cũng đã khuyến cáo tới các hiệp hội và doanh nghiệp lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán, đặc biệt là đối với các hợp đồng thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng). Bộ khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng; tiếp tục theo dõi diễn biến liên quan trừng phạt với Nga (và khả năng là với cả Belarus); đồng thời chọn thanh toán qua kênh thanh toán KFT do Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng đối với các đơn hàng giá trị nhỏ...
Ông Phan Minh Thông chia sẻ thêm với Diễn đàn Doanh nghiệp một khía cạnh rất đáng lưu ý: Trước những rủi ro thanh toán của doanh nghiệp tại thị trường Nga, với các đơn hàng mà chưa giao xong, Phúc Sinh lập tức “kéo hàng” về, dỡ hàng tại cảng chuyển tải. Điều này vừa giúp giảm thiểu rủi ro ở mức tối đa khi doanh nghiệp bên mua không còn khả năng thanh toán, vừa thậm chí còn có thể giúp Phúc Sinh thu được lợi nhuận tốt hơn khi giá hàng hóa hiện đã tăng rất cao và việc bán hàng đi các thị trường khác vẫn vô cùng thuận lợi!
Vào lúc này, dĩ nhiên, những doanh nghiệp có kinh doanh, hợp tác với Nga và Ukraine đã, đang vô cùng lo lắng. Tất cả chúng ta đều muốn cầu nguyện cho sự lo lắng này sẽ là không cần thiết và chiến tranh sẽ sớm qua đi, bởi dù vì mục đích gì thì như thi sĩ Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Không có chiến tranh nào là đẹp đẽ và không có nền hòa bình nào xấu xí”. Ngay cả như vậy, biết vậy, với ý thức về những điểm nghẽn luôn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào trong một thế giới biến động, trong sự phụ thuộc một hệ thống thanh toán thông suốt toàn cầu nhưng cũng có thể bị “ngắt mạch” chủ động hoặc thụ động, và giữa những thị trường không có gì ổn định mãi mãi, thì phản ứng linh hoạt, chủ động, dự phòng kịch bản trong mọi tình huống, càng cần được các nhà quản lý hoạch định chính sách, trên hết từ chính các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Có thể bạn quan tâm