Với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đang hướng về mở rộng, nền kinh tế Việt Nam có kỳ vọng được hỗ trợ để phục hồi trong những tháng cuối năm.
>>> Ngưng hiệu lực một số quy định về cho vay: Sự mở đường cho tăng trưởng tín dụng
Do chính sách tiền tệ có độ trễ lớn hơn so với chính sách tài khóa, nên cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách tài khóa phản chu kỳ để tăng hiệu quả chính sách tức thì, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Trong 5 năm từ 2016-2019, sau khi tái cấu trúc các lĩnh vực mũi nhọn, Chính phủ đã thực hành chính sách tài khóa phản chu kỳ theo hướng ưu tiên ổn định tăng trưởng và tích lũy dần bộ đệm tài khóa, để có nền tảng hỗ trợ mở rộng khi bước vào giai đoạn khó khăn hơn.
Đến nay, một báo cáo điểm lại kinh tế mới nhất của WB cho rằng, bộ đệm cho chính sách tài khóa nhằm chống sốc trong các giai đoạn khủng hoảng tuy đã mỏng hơn, nhưng Việt Nam vẫn cần được khuyến nghị đẩy nhanh, mạnh chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế.
WB cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia); qua đó sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Trên thực tế, chưa tính tới gói đầu tư có giá trị trên 700.000 nghìn tỷ đồng bao gồm nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia, thì các chính sách tài khóa vẫn đang được Chính phủ triển khai mạnh mẽ.
Thống kê mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, trong 2023, dự kiến quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sẽ ban hành ước khoảng 200.000 tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm 79.000 tỷ đồng; gia hạn 121.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong bối cảnh khó khăn, vẫn phải giữ được cân đối thu – chi ngân sách nhà nước, nhưng vẫn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
>>> Hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy tổng cung thông qua mở rộng tài khoá
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào tiền tệ. Do đó, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để đạt được hiệu quả tốt hơn, nhất là khi ngân sách đang không có gì căng thẳng và nợ công thấp. Bởi vì, nếu chỉ dựa vào tiền tệ thì chính sách luôn có độ trễ làm giảm hiệu quả tức thời.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN Việt Nam là một trong số rất ít các NHTW trên thế giới giảm lãi suất. Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, các TCTD cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, nhưng do chính sách có độ trễ nên có thể các TCTD sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Chính vì chính sách tiền tệ có độ trễ (và bản thân chính sách tài khóa cũng có độ trễ), nên động thái “đi trước”- ngược với xu hướng của các NHTW trên thế giới để nới lỏng tiền tệ một cách có thận trọng, được giới chuyên môn đánh giá khá tích cực. Tuy nhiên, hiệu ứng hỗ trợ cho tăng trưởng vẫn phụ thuộc cầu tín dụng.
Để “kích cầu” hấp thụ tín dụng của nền kinh tế, NHNN được kỳ vọng sẽ tiếp tục điều hành theo hướng giảm lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới, nhất là khi FED có thể sẽ sớm cắt giảm lãi suất khi CPI của Mỹ giảm mạnh.
Chuyên gia của MSVN nhận định, FED nhiều khả năng tăng lãi suất lần cuối cùng, và NHNN sẽ có nhiều không gian cho việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa khi FED dừng tăng lãi suất. Theo đó, có cơ sở để dự báo NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong quý 3 này. Khối phân tích của UOB Việt Nam cho rằng, NHNN có thể sẽ cắt giảm lãi suất tới 100 điểm cơ bản trong quý 3, trên nền lạm phát thấp và tăng trưởng vẫn rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, NHNN đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phân bổ cả năm 2023 cho các ngân hàng và có thể điều chỉnh thêm lần nữa để điều chuyển tín dụng của ngân hàng tăng trưởng yếu chuyển đến ngân hàng có dư nợ vốn tăng tốt hơn. Điều này cũng được kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ thực sự nới lỏng, không còn nới lỏng thận trọng, mặc dù với mặt bằng hiện tại và ngay cả khi lãi vay có thể hạ thêm 1,5-2% như yêu cầu của Chính phủ, thời kỳ tiền rẻ cũng chưa trở lại.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế khẳng định, để ứng phó với những thách thức trong các tháng cuối năm 2023, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục giảm lãi suất; bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…; nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thống đốc NHNN: "Nếu tháo điều kiện tăng trưởng tín dụng, nợ xấu sẽ lên"
11:08, 22/08/2023
Nhiều kiến nghị sửa đổi, thu hồi Thông tư 06/2023: Chờ động thái của NHNN
03:00, 22/08/2023
Hướng sửa đổi kỳ vọng với Thông tư 06/2023/TT-NHNN
12:41, 20/08/2023
VARS kiến nghị thu hồi Thông tư 06/2023/TT-NHNN
20:05, 17/08/2023