Để ngành logistics có đủ “lực” phát triển, trong công tác đào tạo cần được thay đổi, “tăng chất” nhiều hơn thay vì lượng nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.
>>Bình quân hàng năm thị trường logistics Việt Nam tăng từ 14-16%
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Chí Dũng, Nhóm Phát triển bền vững và Chuyển đổi số, Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA) cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics cần chú trọng hơn về chất lượng, có trọng tâm.
- Thưa ông, thời gian qua ngành logistics đã có những bước phát triển đáng kể và công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng dần được quan tâm. Tuy nhiên, theo bối cảnh hiện tại thì vẫn còn thiếu hụt khá nhiều, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Dễ dàng nhận thấy trong vài năm trở lại đây đã có rất nhiều trường đại học mở ngành logistics, tuy nhiên có một sự thật là các giảng viên tại đây vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Và đa số các chương trình đào tạo được xây dựng dựa vào nhau, người đi sau thường tham khảo của người đi trước. Cụ thể là mở tên ngành giống nhau, các tài liệu giảng dạy cũng tương tự nhau.
Cùng với đó, có một đặc điểm chung đó là thiếu thực tế, lý thuyết thì không sai, nhưng giữa thực tế và lý thuyết có sự khác biệt rất lớn. Đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi số, các ứng dụng, mô hình kinh doanh đã thay đổi mà chưa có sách vở nào có thể theo kịp được.
Có hai điểm cần nhấn mạnh. Thứ nhất là phải thực tế hóa các chương trình giảng dạy. Thứ hai là ứng dụng chuyển đổi số thật mạnh mẽ để các chương trình đào tạo mang tính thực tế cao.
- Vậy theo ông, chúng ta đang có những khó khăn, vướng mắc gì trong công tác đào tạo hay không?
Khó khăn đầu tiên là chương trình đào tạo có thực sự phù hợp với bối cảnh bên ngoài hay không? Muốn chương trình đào tạo phù hợp thì mình phải có chuẩn mực ngành nghề, hay gọi là tiêu chuẩn nghề nghiệp. Nếu chưa có tiêu chuẩn nghề nghiệp thì làm sao để biết được chúng ta đang dạy về cái gì.
Và khó khăn thứ hai làm sao để đào tạo cho đúng cũng là một vấn đề. Thực tế, lực lượng sinh viên của chúng ta rất tốt, nhưng đến nay vẫn chưa có một giáo trình bài bản để truyền tải. Bởi lẽ, đến bây giờ mỗi trường, mỗi giảng viên đều đi theo một tiêu chuẩn khác nhau, không đồng bộ.
Thứ ba, các giảng viên cũng cần phải có kiến thức thực tế để linh hoạt giải quyết các vướng mắc. Theo tôi thì giảng viên cần có khoảng 30% thời gian làm việc thực tế bên ngoài để giải quyết các vấn đề khó chứ không phải giảng viên chỉ là những ngươi đi đọc sách và dạy lại.
Thứ tư là kể cả giảng viên tốt, chương trình tốt thì ta vẫn cần chương trình thực tập. Trong tại mỗi thời điểm phải có công đoạn thực tập phù hợp cho chương trình đào tạo. Hệ thống, phương tiện thực hành là rất quan trọng. Nếu không làm được những điều này chúng ta rất khó khẳng định được là con người chúng ta nhanh chóng phù hợp được với yêu cầu bên ngoài.
- Ở góc độ nghiên cứu, theo ông cần làm gì để ngành logistics thực sự phát triển mạnh mẽ so với tiềm năng vốn có?
Bối cảnh hiện nay rất thuận lợi cho chúng ta vì nhà đầu tư quốc tế đổ về Việt Nam rất nhiều. Nhưng vừa rồi đã xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp xuống đơn hàng rất nhiều. Vấn đề là chúng ta vừa có cơ hội và vừa có thách thức.
Cách tốt nhất là rút ngắn tối đa thời gian đào tạo lại và đưa các bạn sinh viên ngay lập tức vào môi trường làm việc. Thực tế ngành logistics cũng không yêu cầu quá cao về trình độ học vấn, sau khi đi làm, người lao động sẽ lựa chọn ngành nghề phù hợp mà tiếp tục theo học để lấy chứng chỉ hoạt động.
Việc quan trọng nhất là tập trung vào xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp, theo đó, các trường ghi nhận các yêu cầu, tiêu chuẩn ngoài xã hội để áp dụng vào công tác giảng dạy. Các trường không thể cứ nhận là công tác giảng dạy tốt mà không có bất cứ tiêu chuẩn nào.
Có như vậy, sau khi tốt nghiệp các sinh viên có đủ kinh nghiệm làm việc, từ đó bổ sung nguồn nhân lực cho nguồn nhân lực cho ngành logistics. Qua đó góp phần vào công tác phát triển ngành logictics nói chung.
- Chúng ta hay nói về câu chuyện “thừa thợ thiếu thầy” trong hoạt động logistics, vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Cần xác định rõ danh xưng “thợ - thầy” trong lĩnh vực logistics là như thế nào. Thực tế thì trong logistics thì những người làm quản trị không có nhiều, làm theo kinh nghiệm thì nhiều nhưng họ chưa được tiếp cận với kiến thức mới. Như thế thì chỉ là “thợ” chứ chưa là “thầy”
Ở nhiều lĩnh vực ví dụ như quản lý kho, quản lý vận tải,... công việc chỉ cần những người có bằng Trung cấp hay Cao đẳng thôi, nhưng mà cũng không được đào tạo. Như vậy ngay cả “thợ”cũng không được đào tạo và xuất hiện tình trạng thiếu cả “thợ”.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm