Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, và các biện pháp hạn chế ảnh hưởng, tuy nhiên, theo chuyên gia, vẫn cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho phòng vệ thương mại…
>> Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại
Thống kê cho thấy, đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA khác. Điều đó giúp cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất, nhập khẩu khi nhiều dòng thuế giảm về 0%. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cũng đã phát sinh những vụ kiện kéo dài, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất cơ hội kinh doanh.
Thực tế, đến thời điểm hiện nay, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Và theo đại diện của Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng biện pháp điều tra và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có số lượng ngày càng tăng lên.
Điều đáng nói, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, và các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của các biện pháp phòng vệ thương mại trong những năm qua, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có nhận thức và đánh giá đủ về phòng vệ thượng mại, ít sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ.
Kết quả khảo sát của Cục Phòng vệ thương mại mới đây cũng cho thấy, có khoảng 15% doanh nghiệp không biết gì về phòng vệ thương mại; trong khi chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ. Thậm chí, có doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại nhưng không hề biết vì sao mình lại bị điều tra.
>>Doanh nghiệp ứng phó ra sao với biện pháp phòng vệ thương mại?
Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần hướng dẫn các hiệp hội, các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại, nhất là khi các vụ việc xảy ra. Còn về phía doanh nghiệp, cần tích cực tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Đặc biệt, cần hiểu rằng, doanh nghiệp có quyền yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu nếu thấy đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, các chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng vệ thương mại trong thời gian tới, nhất là khi các văn bản pháp luật hiện nay về phòng vệ thương mại của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm cần tiếp tục được hoàn thiện, sửa đổi để bám sát tình hình thực tế, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định của WTO và các Hiệp định FTA mới ký kết; thẩm quyền và nguồn nhân lực của Cơ quan phòng vệ thương mại chưa tương xứng với sự gia tăng số lượng vụ việc khởi kiện và kháng kiện phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng vệ thương mại.
Theo ông Ngô Đức Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng vệ thương mại là một trong những nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ.
“Dự báo nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ gặp những khó khăn mới, các quốc gia gia tăng sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát tổng thể các quy định, các văn bản pháp luật nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả của phòng vệ thương mại”, ông Minh cho hay.
Cùng với các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho rằng, dự kiến xu hướng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phức tạp, cũng như xu hướng về điện tử hoá trong xuất nhập khẩu ngày càng tăng, vì thế, cần đưa ra quy định về tiêu chuẩn xuất xứ hàng hoá đối với mặt hàng thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích cho ngành sản xuất trong nước…
Đồng tình với quan điểm của các cơ quan quản lý, các chuyên gia cũng cho rằng, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phòng vệ thương mại trên thế giới và tại Việt Nam, cần nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật trong nước về phòng vệ thương mại, trong đó có việc xem xét sửa đổi Luật Quản lý Ngoại thương hoặc xây dựng Luật Phòng vệ thương mại để đảm bảo đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế, bám sát thực tiễn, bảo vệ tốt nhất lợi ích của nền kinh tế.
Ngoài ra, cơ quản quản lý Nhà nước và các ngành sản xuất cần có chiến lược lâu dài về việc tập trung nâng cao năng lực phòng vệ thương mại; tận dụng các công cụ phòng vệ thương mại được WTO cho phép nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh bất bình đẳng và gay gắt của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài; cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại thông qua nghiên cứu kinh nghiệm mô hình Cơ quan Phòng vệ thương mại của các nước, từ đó hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng vệ thương mại tương ứng với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại
00:03, 21/11/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Chủ động ứng phó
11:00, 25/08/2022
Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện
03:30, 25/08/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại
02:03, 24/08/2022
Liên tiếp "dính" kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp thép gặp khó
06:12, 08/08/2022