Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh và tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng đang được triển khai quyết liệt.
Trong bối cảnh phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19, năm 2025, ngành du lịch Việt Nam hướng tới mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch khoảng 1 triệu tỷ đồng. Thống kê quý I/2025, ngành du lịch Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách quốc tế đạt hơn 6 triệu lượt, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trong thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành. Các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch cả trong và ngoài nước được đổi mới về nội dung, phương thức và hình thức.
Các sản phẩm du lịch được đa dạng hóa để tạo ra sự độc đáo và hấp dẫn. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh và tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng đang được triển khai quyết liệt. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường du lịch, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương để phát triển sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng thời, dưới sự định hướng và điều phối của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhiều địa phương đã chủ động thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Năm 2024, du lịch thế giới đã cơ bản phục hồi và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025. Trung Đông là khu vực có mức phục hồi cao nhất với 95 triệu lượt khách quốc tế. Nhờ sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu du lịch trong nội vùng, châu Á là khu vực điểm đến lớn nhất thế giới, ghi nhận 747 triệu lượt khách quốc tế năm 2024. Năm 2025, du lịch được dự đoán tăng trưởng mạnh, trở thành trụ cột chính của thương mại quốc tế, đem đến nguồn thu quan trọng cho nhiều quốc gia đang phát triển. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với thiên nhiên và mang tính bền vững tiếp tục là xu hướng trong năm nay.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế và Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) chia sẻ, hiện khách du lịch ngày càng đòi hỏi tính cá nhân hóa cao, chuyển từ tour truyền thống sang sử dụng dịch vụ online và yêu cầu gia tăng trải nghiệm tại các điểm đến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế hành trình… Thực tế này đòi hỏi ngành du lịch mà đặc biệt các doanh nghiệp du lịch phải thay đổi để thích ứng và phát triển.
Thời đại công nghệ số, những ứng dụng thông minh, hỗ trợ người dùng có nhiều tiện ích hơn trong mọi hoạt động là xu thế tất yếu. Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Vietravel cho biết, hành vi đặt dịch vụ của khách hàng ngày càng mang tính số hóa và chủ động.
Điều này đòi hỏi các công ty du lịch phải nâng cao năng lực vận hành số, cải tiến trải nghiệm khách hàng từ khâu tư vấn – bán tour – chăm sóc trong suốt hành trình.
Định hướng cho nửa cuối năm 2025, Vietravel Hà Nội kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng sau mùa cao điểm lễ 30.4, nhờ loạt yếu tố thuận lợi như kỳ nghỉ Quốc khánh 2.9 kéo dài – tạo điều kiện lý tưởng cho các tour dài ngày trong nước và quốc tế. Sự mở rộng của các hãng hàng không với việc tăng tần suất và khai thác thêm nhiều đường bay quốc tế mới, giúp đa dạng lựa chọn cho khách hàng.
Cùng với đó, các xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, hành trình cá nhân hóa, trải nghiệm đặc sản vùng miền và văn hóa bản địa tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nhu cầu tiêu dùng du lịch hiện đại.
Tỷ lệ khách tìm hiểu kỹ thông tin tuyến điểm, đánh giá dịch vụ, ưu đãi trước khi quyết định đặt tour tăng cao. Khách thanh toán không tiền mặt, lưu trữ mã QR chương trình. Hành vi đặt sớm chiếm ưu thế, đặc biệt với tour quốc tế hoặc hành trình kết nối đa điểm.
Có thể thấy, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu và hành vi của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có nhiều thay đổi rõ nét. Du khách hiện nay ngày càng đòi hỏi trải nghiệm mang tính cá nhân hóa cao, dịch chuyển từ mô hình tour truyền thống sang tự tìm kiếm và sử dụng dịch vụ trực tuyến, chủ động lựa chọn hành trình thông qua các công cụ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.