Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích

GIA NGUYỄN 24/12/2022 11:10

Mặc dù đánh giá việc điều chỉnh giá điện hiện nay là nhu cầu tương đối cấp bách, khi các khoản lỗ của EVN đã được công bố, tuy nhiên, theo chuyên gia, việc tăng giá cần đảm bảo hài hòa lợi ích…

>> Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu

Trước hiện trạng chi phí đầu vào cho sản xuất điện trên thế giới, khu vực và Việt Nam đều tăng khá cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn này lỗ khoảng 16.000 tỷ đồng, ước tính cả năm, lỗ hơn 31.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo EVN đánh giá, 2022 là năm cực kỳ khó khăn với ngành điện - Ảnh minh họa: DV

Lãnh đạo EVN đánh giá, 2022 là năm cực kỳ khó khăn với ngành điện - Ảnh minh họa: DV

Thông tin về khoản lỗ đột biến này tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 vừa qua, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng Giám đốc EVN đánh giá, 2022 là năm cực kỳ khó khăn với ngành điện.

Theo ông Nguyễn Tài Anh, mặc dù doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 460.700 tỷ đồng (tăng 4,31% so với năm 2021), trong đó, doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỷ đồng (bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021). Tuy nhiên, toàn tập đoàn ước lỗ 31.360 tỷ đồng do giá nhiên liệu để sản xuất điện, tỷ giá tăng cao.

Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, giá thanh toán trên thị trường điện tăng gần 20% so với năm ngoái và 36% so với cách đây 3 năm. Phần lớn giá chào các nhà máy trên thị trường đều cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng 1.864,44 đồng một kWh, có tổ máy giá lên tới 3.000 - 4.000 đồng.

Chưa kể, khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí chỉ đáp ứng 70% năng lực của các tổ máy, nên để đảm bảo cung ứng điện, nhiều thời điểm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia phải huy động thêm các nhà máy điện chạy dầu DO giá cao. EVN đã rà soát, tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí... với tổng mức giảm hơn 33.400 tỷ đồng, nhưng mức này không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, lãnh đạo EVN cũng cho biết, EVN đã kiến nghị Bộ Công Thương tăng giá bán lẻ điện bình quân để giảm khó khăn, cân bằng tài chính năm 2023, áp dụng cơ chế thị trường với điện lực, và hiện đang chờ quyết định từ cấp có thẩm quyền.

>> Đề xuất tăng giá điện và câu hỏi “sao cho hợp lý”

Theo các chuyên gia, tăng giá điện cần sự tính toán cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích - Ảnh minh họa: VNB

Theo các chuyên gia, tăng giá điện cần sự tính toán cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích - Ảnh minh họa: VNB

Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia nhìn nhận, việc xem xét tăng giá điện trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, biến động thời gian qua là phù hợp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện cần được đặt trên cơ sở các chi phí đầu vào đã được tính toán một cách minh bạch, rõ ràng, công khai nhất, bảo đảm sự đồng thuận của xã hội. Đồng thời, cần đảm bảo hài hòa lợi ích.

Theo TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay. Các yếu tố về giá nhiên liệu, tỷ giá tăng cao đã rất rõ ràng trong thời gian qua, gây áp lực lên ngành điện trong vấn đề chi phí.

“Giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, đặc biệt, giá than nhập khẩu tăng hơn 3 lần, nên việc tính toán để tăng giá điện ở mức phù hợp là cần thiết”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Đồng tình với việc tăng giá điện trước những biến động đầu vào dẫn đến thua lỗ của EVN, tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý, cần cân nhắc, tính toán kỹ trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19.

“Mức tăng cần được xem xét, dựa trên mục tiêu đa chiều, trong bối cảnh đang phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch COVID-19, việc tăng giá điện phải tính toán lộ trình hết sức cẩn trọng để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu kìm giá điện, ngành điện sẽ gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện cho nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải hài hòa các mục tiêu đa chiều này”, TS. Lê Đăng Doanh bày tỏ.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính, nếu chi phí sản xuất điện tăng cao thì việc điều chỉnh tăng giá điện cũng là chính đáng, song vấn đề là tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào. Còn nếu chỉ đưa thông tin đối chiếu giá điện của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới, thì đây là so sánh khập khiễng, không thuyết phục.

Vị chuyên gia này phân tích, giá điện Việt Nam thấp hơn so với các nước châu Âu ở thời điểm này là đương nhiên khi các quốc gia trong khu vực này đã loại bỏ điện hạt nhân, bỏ điện than và chỉ tập trung vào nguồn điện khí và điện dầu. Trong khi đó, hiện nay, nguồn khí đốt tại các quốc gia châu Âu đang bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga khiến giá tăng vọt; giá dầu thậm chí còn cao hơn cả giá xăng.

“Mặt khác, cũng cần làm rõ khoản lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng của EVN đến từ đâu, có phải chỉ do giá nhiên liệu nhập khẩu, nếu đúng thì phía EVN cần phải minh bạch. Trường hợp lỗ do các yếu tố khác, ví dụ liên quan đến tỷ giá, thì là do làm ăn kinh doanh kém”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Về vấn đề tăng bao nhiêu, ông Thịnh nhấn mạnh, phải tính rõ tỷ lệ đóng góp của từng loại nhiên liệu chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường trong cơ cấu điện, và điều chỉnh theo loại nhiên liệu đó. Ví dụ, như trong thủy điện, phải tính than và khí chiếm bao nhiêu phần trăm để điều chỉnh theo, và trong cơ cấu giá điện bán ra cũng phải tính từng loại điện chiếm bao nhiêu phần trăm.

Có thể bạn quan tâm

  • Áp dụng cơ chế tự động với giá điện thị trường

    Áp dụng cơ chế tự động với giá điện thị trường

    00:00, 19/12/2022

  • Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu

    Khó có thể điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu

    04:00, 16/12/2022

  • Đề xuất tăng giá điện và câu hỏi “sao cho hợp lý”

    Đề xuất tăng giá điện và câu hỏi “sao cho hợp lý”

    01:00, 12/12/2022

  • Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo

    Cần sớm ban hành giá điện năng lượng tái tạo

    04:00, 06/12/2022

  • Tăng giá điện – Tránh để tác động ngược lại với nền kinh tế

    Tăng giá điện – Tránh để tác động ngược lại với nền kinh tế

    04:00, 04/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO