Câu chuyện quản trị rủi ro để đạt được mục tiêu lợi nhuận dài hạn cần được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu, khi trên TTCK có nhiều cổ phiếu đã leo lên vùng đỉnh lịch sử mới và hấp thụ nhiều thông tin tốt.
>>Kỳ vọng hạ lãi suất của Fed ngày càng giảm đáng kể
Sự kiện được chờ đón đối với giới tài chính toàn cầu trong tuần này là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với quyết định lãi suất được công bố vào chiều ngày thứ Tư (20/3) theo giờ địa phương.
Lùi kỳ vọng Fed hạ lãi suất
Theo thông tin từ Reuters, giới chuyên môn đang dự đoán rằng Fed sẽ giữ ổn định mức lãi suất hiện tại từ 5,25 - 5,5% và dự kiến việc giảm lãi suất được bắt đầu trong nửa cuối năm nay với tổng mức giảm dự báo là 0,75 điểm phần trăm cho cả năm.
Bà Bùi Hoàng Minh, Trưởng phòng phân tích CTCK HSC cho rằng, trong thời gian trước, khi thị trường tăng trưởng nóng và có những dữ liệu khá tích cực liên quan đến chỉ số CPI của Mỹ, có một thời gian các nhà đầu tư đã lạc quan về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 3 này. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, khi có các báo cáo liên quan đến lạm phát tháng 2 thì kỳ vọng cắt giảm lãi suất đã lùi lại tới tháng 6/2024.
Mặc dù lạm phát của tháng 2 đánh dấu mức tăng cao hơn so với dự báo nhưng thực tế các yếu tố liên quan vẫn đang nằm trong xu hướng giảm. Cụ thể, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng. Sau đó, chúng ta sẽ thấy Mỹ tiếp tục đầu tư rất lớn vào hoạt động sản xuất, nhất là những hoạt động có hàm lượng công nghệ cao, và điều này sẽ khiến tăng trưởng GDP của Mỹ có cú hích nhất định. Đồng thời, câu chuyện liên quan đến trí tuệ nhân tạo cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tại Mỹ tăng biên lợi nhuận trong dài hạn, giảm bớt áp lực liên quan đến chi phí.
“Thời gian vừa qua đã có biến động liên quan đến thị trường chứng khoán Mỹ, sau một nhịp tăng rất nóng của nhóm ngành công nghệ, đưa nhiều cổ phiếu trong nhóm này lên mức đỉnh lịch sử; thì việc hạ nhiệt của dòng vốn ETF chảy vào các quỹ liên quan đến những cổ phiếu tăng trưởng đã tạo ra áp lực bán nhất định. Do đó, dòng vốn chốt lời đang chờ đợi ngoài thị trường còn rất lớn và bắt đầu tìm đến những kênh ít rủi ro hơn.
Ngành được cho là hưởng lợi trong chu kỳ này là nhóm năng lượng, đã tăng 3,8% trong tuần vừa rồi. Tiếp đó là những ngành vật liệu tăng 1,6%, tiêu dùng thiết yếu tăng 0,6%, tài chính tăng 0,5%, dịch vụ thông tin truyền thông tăng 0,5%. Riêng chỉ số S&P 500 có mức giảm nhẹ 0,1% đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản và tiêu dùng không thiết yếu, phản ánh câu chuyện liên quan đến chỉ số niềm tin tiêu dùng của người Mỹ suy giảm sau thời gian tăng nóng”, bà Minh phân tích.
>>Chứng khoán vẫn còn hấp dẫn dài hạn
Áp lực chốt lời còn tiếp diễn
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, theo chuyên gia tại HSC, chúng ta đang chịu áp lực chốt lời rất lớn từ phía các nhà đầu tư tại các quỹ ETF, vì rổ cổ phiếu mà các quỹ đầu tư vào hiện đang có P/E ở mức 21 lần - là mức kém hấp dẫn hơn nhiều so với các thị trường khác như Trung Quốc (P/E dưới 9 lần).
Mặc dù chứng khoán vẫn là một kênh hấp dẫn với các nhà đầu tư hiện tại, nhưng chúng ta cần thấy rõ rằng ở một vùng giá cao, câu chuyện quản trị rủi ro để đạt được mục tiêu lợi nhuận trong dài hạn phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu đã leo lên vùng đỉnh lịch sử mới và hấp thụ nhiều thông tin tốt. Vì vậy, cần có thời gian để quan sát thêm các thông tin mới, cũng như cần thời gian để thị trường tích lũy.
“Chúng tôi vẫn duy trì ước tính lạc quan với thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay và tháng 4 tới là thời kỳ có rất nhiều thông tin về đại hội cổ đông cũng như kết quả kinh doanh quý 1/2024, giúp nhà đầu tư có thể lựa chọn thêm các cổ phiếu tiềm năng để giải ngân đầu tư mới.
Riêng về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng và áp lực tỷ giá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sẽ tiếp tục diễn ra. Câu chuyện này bắt nguồn từ nhiều yếu tố như chỉ số đô la Mỹ tăng trở lại; nhu cầu lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất; hay chênh lệch lãi suất giữa VND và các tiền tệ khác trên thế giới...
Trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá vẫn tồn tại và NHNN can thiệp để ổn định tỷ giá cũng là một trong những yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, dẫn đến áp lực liên quan đến việc giảm giá vốn hoặc biến động mạnh trong các phiên giao dịch”, bà Bùi Hoàng Minh dự báo.
Có thể thấy, vấn đề mà các nhà đầu tư cần quan tâm chính lúc này là quản trị rủi ro. Các chuyên gia đều đồng tình rằng thị trường vẫn còn cơ hội khi nền kinh tế và nền tảng vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được xem là điểm sáng tại khu vực châu Á, được hưởng lợi trong dài hạn. Vì vậy, áp lực chốt lời trên thị trường không phải là điều quá bất ngờ.
Kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, khi thị trường chứng khoán có nhịp tăng mạnh thì đều có nhịp giảm nóng, hay những cổ phiếu có nền tảng ký quỹ cao sẽ chịu áp lực chốt lời nhất định. Cơ hội đầu tư vẫn sẽ được mở rộng khi chúng ta luôn bám sát các thông tin về kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2024-2025, hay liên quan đến đà hồi phục của lĩnh vực xuất khẩu cũng như dòng vốn FDI sẽ được nhắc đến nhiều trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
04:20, 17/03/2024
04:22, 02/03/2024
11:20, 25/02/2024
04:00, 24/02/2024