Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử

DIỄM NGỌC 04/10/2021 05:00

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, Tổng cục Thuế đã xác định chuyển đổi số là tất yếu và là thời điểm cần phải tăng tốc nâng cao năng lực điều hành quản lý thuế các giao dịch điện tử.

Đẩy mạnh công tác thu thuế điện tử

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành thuế đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các giao dịch điện tử như khai hồ sơ thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Theo kế hoạch đến ngày 1/7/2022 sẽ chính thức thực hiện hóa đơn điện tử theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ đạt 99,7% doanh nghiệp áp dụng khai thuế điện tử

Đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ đạt 99,7% doanh nghiệp áp dụng khai thuế điện tử

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết đến nay, hệ thống khai thuế điện tử đã được thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ đạt 99,7% doanh nghiệp áp dụng khai thuế điện tử, trong bối cảnh phải giãn cách vì dịch bệnh. Người nộp thuế tiếp tục thực hiện kê khai thuế theo kênh giao dịch điện tử 24/7 của ngành thuế. Tính từ ngày 1/1 - 31/8/2021, ngành thuế đã tiếp nhận hơn 13,1 triệu hồ sơ khai thuế điện tử qua hệ thống khai thuế điện tử, triển khai 479 kênh hỗ trợ trực tuyến, giải đáp thắc mắc trực tuyến, kết nối và hỗ trợ người nộp thuế. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã phối hợp, kết nối với 55 ngân hàng thương mại cung cấp kịp thời việc nộp thuế điện tử 24/7 cho người nộp thuế và có hơn 99 % doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.

Từ đầu năm nay, ngành thuế đã tiếp nhận hơn 17.000 hồ sơ hoàn thuế điện tử, đạt tỷ lệ 98,5% tổng hồ sơ hoàn thuế, ngành thuế cũng khuyến khích doanh nghiệp người nộp thuế sớm đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, theo quyết định về thực hiện chứng từ hóa đơn điện tử trước ngày 1/7/2022.

Riêng với Cục thuế Hà Nội, cơ quan này đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán trên địa bàn thành phố, để thu thập cơ sở dữ liệu người dùng và đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách, phục vụ công tác quản lý hoạt động về thương mại điện tử. Ngoài ra, Cục thuế cũng đã nghiên cứu các công cụ công nghệ thông tin, hỗ trợ công tác quản lý thông tin của người nộp thuế có phát sinh hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn.

Siết quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử

Với việc các hoạt động thương mại điện tử ngày càng gia tăng và phát triển nhanh như hiện nay, đòi hỏi ngành thuế phải xác định đây là mục tiêu để quản lý thuế đối với nhiều cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Tính đến ngày 27/8/2021, Cục thuế Hà Nội đang quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp sản phẩm trên các ứng dụng của Google Play, Apple Store. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, các cá nhân này đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 39 tỷ đồng qua ứng dụng nộp thuế điện tử.

Với việc các hoạt động thương mại điện tử ngày càng gia tăng và phát triển nhanh như hiện nay, đòi hỏi ngành thuế phải xác định đây là mục tiêu để quản lý thuế đối với nhiều cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số (ảnh: Diễm Ngọc)

Với việc các hoạt động thương mại điện tử ngày càng gia tăng và phát triển nhanh như hiện nay, đòi hỏi ngành thuế phải xác định đây là mục tiêu để quản lý thuế đối với nhiều cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số (ảnh: Diễm Ngọc)

Tại các địa phương,  do ảnh hưởng của dịch bệnh phải giãn cách trong thời gian dài, thì “chuyển đổi số” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều và đang dẫn đầu xu thế. Chính vì vậy, ngành thuế các địa phương cũng đã chủ động đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, để sớm bứt phá trong công tác chuyển đổi số, đẩy nhanh tiến độ triển khai mở rộng khai thuế điện tử, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế,...

Như vậy, tại hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, các doanh nghiệp thay vì phải đến cơ quan thuế thì nay có thể thực hiện trực tuyến và giảm đáng kể được thời gian, chi phí cho đơn vị mình.

Đại diện công ty cổ phần FFC, bà Đào Thanh Hoàn, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, đến nay, đơn vị đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử, nên trong thời gian giãn cách xã hội vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, quan hệ với khách hàng tốt. Đặc biệt, nguồn doanh thu đến đâu sẽ xuất hóa đơn đến đó đó trả ngay cho khách hàng bằng hệ thống Email, chứ không phải làm hồ sơ giấy như ngày trước, việc thực hiện này rất hữu ích trong thực hiện nhiệm vụ lồng ghép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính đánh giá: “Việc kê khai tính toán thuế và nộp thuế trên mạng Internet và công nghệ số hiện nay của Tổng cục Thuế, là một bước cải tiến rất lớn về thủ tục hành chính, làm giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ của cơ quan quản lý thuế, cũng như giảm thiểu rất nhiều thủ tục giấy tờ, đáp ứng yêu cầu về quản lý số mà Chính phủ đã đề ra”.

Thống kê của Tổng cục Thuế cũng chỉ ra, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế có tổng số là 304 thủ tục hành chính, trong đó thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 122 thủ tục, mức độ 3 là 32 thủ tục, mức độ 4 là 150 thủ tục. Đến thời điểm hiện tại, ngành thuế đã tích hợp 150 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến trong năm 2021, ngành thuế sẽ hoàn thành tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên cổng dịch vụ công quốc gia.

Lãnh đạo cục công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế nhấn mạnh, tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020, tuy nhiên trong thách thức này, làn sóng chuyển đổi số đã đang diễn ra mạnh mẽ. “Tổng cục thuế cũng xác định chuyển đổi số là tất yếu và đây là thời điểm cần phải tăng tốc, có những hành động giải pháp triển khai cụ thể, thiết thực để nâng cao năng lực điều hành của chính cơ quan thuế, cũng như tăng cường hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra”.

Chuyển đổi số là mục tiêu mà ngành thuế đặt ra trong quản lý thuế điện tử thời điểm này, cùng với đó là công tác tích cực triển khai 749 kênh đối thoại trực tuyến, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế, nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa các giao dịch điện tử như: dịch vụ tin nhắn giữa người nộp thuế với cơ quan thuế, ứng dụng Etax dành cho ứng dụng di động Emobile, cung cấp một số chức năng về đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, tra cứu nghĩa vụ thuế, tra cứu hồ sơ thuế đã nộp.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành thuế đột phá cải cách hành chính

    16:10, 30/09/2021

  • Hiện đại hoá quản lý thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

    15:28, 11/09/2021

  • Tìm lời giải cho quản lý thuế trên nền tảng thương mại điện tử

    05:30, 31/08/2021

  • Quản lý thuế sẽ kết nối với máy tính tiền các điểm bán lẻ 24/7

    09:10, 09/08/2021

  • Lo ngại rủi ro trong dự thảo Thông tư quản lý thuế

    04:00, 08/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng tốc quản lý thuế các giao dịch điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO