Ứng phó biến động thuế quan, tín dụng linh hoạt và tài khóa mở rộng, phát triển thị trường bất động sản, kích thích tiêu dùng là một số trong nhóm yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế...
Tại thời điểm tháng 3 năm 2025, các tổ chức quốc tế gồm Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Liên hợp quốc (UN), Fitch Ratings (FR) và Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 so với dự báo trước đó, riêng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) điều chỉnh tăng nhẹ.
Cụ thể, OECD và FR điều chỉnh giảm 0,2 và 0,3 điểm phần trăm so với dự báo ở thời điểm tháng 12 năm 2024, đạt mức 3,1 và 2,3%. UN và WB giữ nguyên mức tăng trưởng so với dự báo trong tháng 6 năm 2024, lần lượt đạt 2,8 và 2,7%. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 sẽ vẫn ổn định ở mức 3,3% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 10 năm 2024).
Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO), WB và UN đều có đánh giá lạc quan về tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á trong năm 2025. Theo đó, các tổ chức này đều nhận định tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam cao nhất trong Khu vực, đạt từ 6,5–6,8%.
Theo OECD, lạm phát chung cho các nền kinh tế G20 sẽ giảm từ 3,8% năm 2025 xuống còn 3,2% năm 2026. Lạm phát cơ bản dự kiến sẽ vẫn cao hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, vào năm 2026.
Các yếu tố dự kiến sẽ ảnh hưởng khác nhau đến lạm phát toàn cầu năm 2025, gồm: Giá năng lượng và thực phẩm giảm; tác động trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt; khả năng thay đổi chính sách thương mại và tăng thuế quan có thể làm tăng lạm phát; bất ổn và xung đột địa chính trị có thể dẫn đến cú sốc cung và giá hàng hóa tăng cao hơn; phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ có thể khiến lạm phát tăng cao hơn; tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ ở một số nền kinh tế có khả năng gây áp lực lạm phát.
WB cho rằng các yếu tố giá hàng hóa tăng, điều kiện thị trường tài chính dần nới lỏng trong năm 2025 và cải thiện thất nghiệp sẽ tác động thuận lợi đến tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn đi kèm những thách thức. Trong đó, lưu ý là rào cản thương mại gia tăng và sự phân mảnh nhiều hơn của nền kinh tế toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu và góp phần gây ra lạm phát. Sự gia tăng các rào cản thương mại, chủ yếu là của các nền kinh tế phát triển thường ảnh hưởng khác nhau đến các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, gây rủi ro cho hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu. Việc Mỹ tăng 10 điểm phần trăm thuế quan đối với tất cả các đối tác thương mại vào năm 2025, có thể làm giảm 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng toàn cầu so với dự báo cơ sở; nếu có hành động trả đũa tương ứng, có thể làm tăng trưởng toàn cầu thấp hơn mức cơ sở 0,3 điểm phần trăm.
Căng thẳng thương mại gia tăng vào năm 2024 và với các biến động đang diễn ra, sẽ tiềm ẩn rủi ro chiến tranh thương mại toàn cầu nếu các bên không có kế hoạch đàm phán và ứng phó phù hợp.
Cùng với đó, bất ổn địa chính trị và chính sách có khả năng kìm hãm tăng trưởng. Đặc biệt, lạm phát cao hơn dự kiến sẽ khiến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và có thể dẫn đến việc định giá lại gây gián đoạn trên thị trường tài chính. Áp lực lạm phát tái phát có thể làm cho lãi suất tăng cao trong thời gian dài hơn, gia tăng gánh nặng trả nợ. Lạm phát toàn cầu dai dẳng và tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt là nguy cơ giảm tăng trưởng, nhất đối với các nước nhập khẩu dầu. Lạm phát giảm chậm, do giá nhà ở và các dịch vụ khác ở các nền kinh tế phát triển tăng cao, có thể tác động đến các ngân hàng trung ương chậm nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Việt Nam nằm trong nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2024. Tăng trưởng GDP quý I năm 2025, đạt khoảng 6,93%, cao hơn cùng kỳ trong 5 năm gần đây và cao hơn kịch bản tăng trưởng ban đầu, cho dù vẫn thấp hơn kịch bản tăng trưởng mới.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện "Bộ tứ chiến lược", bao gồm đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai 03 đột phá chiến lược theo hướng hoàn thiện thể chế pháp luật, hạ tầng thông suốt, phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia thông minh.
Chúng tôi nhận định, Chính phủ thực hiện hiệu quả vấn đề này, sẽ góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Về thể chế kinh tế, Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giảm thời gian, chi phí và điều kiện kinh doanhcho người dân và doanh nghiệp ít nhất 30% trong năm nay.
Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong các trường hợp khó khăn.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư hạ tầng chiến lược của quốc gia.
Về chính sách tài khóa, Chính phủ sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 2025–2026 và nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, chính sách tiền tệ tiếp tục được nhà chức trách điều hành linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Chính phủ, các Bộ ngành tiếp tục chủ động đàm phán mở rộng thị trường, bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về cơ chế, nguồn lực, quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát, nắm chắc tình hình và đề xuất giải pháp để có thể gia tăng khả năng kết nối nền kinh tế Việt Nam, với nước trên thế giới và trong khu vực. Việc kết nối gồm hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ở chiều ngược lại, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai chiến lược đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và tăng hợp tác, xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp cần nâng cao tính tự lực, tự cường, tái cơ cấu, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ và hoạt động đúng luật.
Chúng tôi nhận định, trong năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% dự kiến sẽ dựa vào 3 động lực chính, đó là xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh tổng cầu thế giới dần gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công, giữ vững ổn định vĩ mô tạo niềm tin và động lực cho việc thu hút dòng vốn FDI; và kích thích tiêu dùng cuối cùng trong nước (chiếm khoảng 63% GDP), phản ánh vai trò quan trọng của động lực này đối với tăng trưởng kinh tế.
Trong nhóm các yếu tố rủi ro, thách thức cũng như thuận lợi, cơ hội có thể tác động lớn tới tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, cần nhìn nhận một số điểm đáng chú ý như: Nhu cầu bên ngoài còn yếu có thể sẽ tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu và qua đó ảnh hưởng đến 1 trong 3 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh đó, các động lực quan trọng của tăng trưởng như đầu tư công và đầu tư tư nhân vẫn còn chậm hơn kỳ vọng. Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump có khả năng sẽ làm gia tăng lạm phát tại Mỹ và buộc Fed phải trì hoãn quá trình nới lỏng tiền tệ hoặc thậm chí quay sang thắt chặt. Điều này có thể làm cho áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, và dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước trong thời gian tới.
Theo quan điểm của chúng tôi, ngành phát triển bất động sản năm 2025 sẽ cải thiện tích cực hơn theo chu kỳ phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại và yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu không được giải quyết hiệu quả và triệt để, có thể dẫn đến hệ quả tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng. Điều này có thể sẽ làm phương hại đến quá trình tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm sự ổn định tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.
Dù khó khăn trong ngắn hạn, đặc biệt với biến động thuế quan, chúng tôi kỳ vọng mục tiêu GDP năm 2025 của Việt Nam đạt 8% trở lên dựa trên các cơ sở như sau:
Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã và đang khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm gỡ bỏ những điểm nghẽn, rào cản của tăng trưởng: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Chứng khoán, v.v. điều này sẽ góp phần làm mới, đẩy mạnh hơn các động lực tăng trưởng truyền thống, như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, v.v.
Đồng thời góp phần đẩy mạnh đầu tư công, khi dư địa vẫn còn rất lớn, dự kiến năm 2025, Chính phủ sẽ có kế hoạch bố trí hơn 800.000 tỷ đồng cho đầu tư công, tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm, như đường cao tốc, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển và đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Từ đó, tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công, tiêu dùng trong nước.
Việc Chính phủ quyết tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với 154 dự án năng lượng tái tạo để đưa vào sử dụng là cần thiết. Điều này sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực, tăng cường nguồn năng lượng xanh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án FDI quy mô lớn.
Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22 tháng 12 năm 2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” sẽ tháo gỡ các nút thắt về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh và kinh tế số.
Cùng với đó, việc Chính phủ quyết liệt đưa vào thử nghiệm các mô hình phát triển mới, hiện đại, tạo đột phá phát triển, xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực sẽ là kênh huy động nguồn vốn lớn đầu tư vào các dự án chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghệ cao trong lĩnh vực: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen; phát triển công nghệ tài chính; hạ tầng giao thông hiện đại...