Theo Công ty Chứng khoán MBS, tăng trưởng lợi nhuận của 02 nhóm ngân hàng và bất động sản trong quý II/2025 rất khả quan so với những nhóm ngành khác...
Trong quý 2/2025, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận tăng tốc mạnh nhờ môi trường lãi suất thấp duy trì và chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Tính đến 16/06, tín dụng tăng 6,99% so với đầu năm, vượt xa mức 3,75% cùng kỳ 2024.
Nhóm NHTM cổ phần dẫn dắt tăng trưởng, với các ngân hàng như TCB, MSB, EIB, VPB, SHB… tiếp tục duy trì đà tăng mạnh từ quý 1/2025. Động lực chính vẫn là nhu cầu vay vốn từ doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí vốn hấp dẫn. NIM trong Quý 2 dự báo sẽ không giảm thêm so với Quý 1 khi lãi suất cho vay được giữ ổn định, trong khi lãi suất huy động có thể giảm nhẹ nhờ tăng trưởng huy động tốt.
Tính đến giữa tháng 6, huy động tăng 5,09% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức 0,92% cùng kỳ 2024. Điều này giúp giảm áp lực cạnh tranh lãi suất và hỗ trợ duy trì biên lãi ròng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế các NHTM niêm yết được dự báo tăng khoảng 14,7% so với cùng kỳ trong Quý 2/2025, cao hơn mức 11,0% của quý 1. Những ngân hàng có triển vọng lợi nhuận tích cực gồm TCB, VPB, CTG, EIB nhờ tăng trưởng tín dụng và cải thiện NIM.
Về chính sách, Nghị định 69/2025/NĐ-CP cho phép nâng room ngoại lên 49% tại các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như VPB, MBB, HDB, tạo dư địa tăng vốn nhưng chưa cấp thiết do các ngân hàng này vẫn có CAR cao.
Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ giúp ngành xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, đặc biệt có lợi cho các ngân hàng có chi phí dự phòng cao như CTG, VPB và các ngân hàng quy mô nhỏ như OCB, MSB, VIB.
Về ngành bất động sản (BĐS) trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội ghi nhận sự phân hóa rõ nét. Với phân khúc thấp tầng tăng trưởng tích cực cả về nguồn cung lẫn tiêu thụ, trong khi cao tầng chững lại do nguồn cung tập trung tại khu Đông. Tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ Quý 1/2025 giảm 36% so với cùng kỳ do các chủ đầu tư hạn chế mở bán mới, dù tỷ lệ hấp thụ vẫn cao nhờ nhu cầu tốt. Với BĐS liền thổ, nguồn cung tăng nhẹ nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 53% do giá bán duy trì ở mức cao.
Bước sang Quý 2/2025, thị trường xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, đó là vốn FDI vào lĩnh vực BĐS tăng mạnh, chiếm 25,9% tổng vốn đăng ký, khung pháp lý được hoàn thiện và nhiều dự án lớn được phê duyệt (như Aqua City, phân khu C4 Đồng Nai, 148 dự án ở Hà Nội).
Thông tin sáp nhập tỉnh thành cũng tạo kỳ vọng phát triển hạ tầng và thúc đẩy BĐS. Tuy vậy, kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp BĐS dân cư dự báo chưa có nhiều đột biến do lượng sản phẩm bàn giao dự kiến ở mức thấp. MBS cho rằng triển vọng của các doanh nghiệp BĐS nửa sau 2025 sẽ tích cực hơn nhờ loạt dự án gối đầu dự kiến bàn giao trong giai đoạn này.
Với ngành BĐS khu công nghiệp chờ đợi kết quả đàm phán thương mại. Theo báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 5 tháng đầu năm đạt 18,39 tỷ USD, tăng mạnh 51,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên lượng vốn đăng ký mới lại giảm 13,2%, đạt 7,02 tỷ USD, điều này cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trước rủi ro từ chính sách thuế quan và các nhà đầu tư mới đang chờ đợi kết quả đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Trong Quý 2/2025, MBS cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp BĐS Khu công nghiệp (KCN) đến từ các hợp đồng MOU đã ký trước khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng. Do vậy, dự phòng lợi nhuận của BCM, IDC và SZC sẽ đi ngang, trong khi đó lợi nhuận của KBC sẽ tăng trưởng 59% so với cùng kỳ nhờ hợp đồng thuê đất được ghi nhận ngay trong quý này.
Với kết quả kinh danh triển vọng như nêu trên, dự báo 02 nhóm này sẽ tiếp tục hút dòng tiền đầu tư trong những tháng còn lại của năm 2025. Do vậy, từ nay đến cuối năm, MBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu bất động sản và ngân hàng, hai ngành đang chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn nhất của thị trường chứng khoán.