Đã đến lúc cần có Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
>>Ngân hàng tăng tốc tái cơ cấu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
LTS: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất của VAFI về các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế với lãi suất huy động giảm mạnh.
Chính phủ đã có rất nhiều chính sách được ban hành trong những tháng vừa qua để hỗ trợ cho thị trường TPDN phục hồi, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế và hướng đến lành mạnh hóa, phát triển bền vững.
Nổi bật trong số các chính sách của 6 tháng đầu 2022 là Nghị định 08/2023, đặc biệt tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư đàm phán gia hạn kỳ hạn thanh toán trái phiếu thêm tối đa 2 năm, không quy định bắt buộc nhà đầu tư chuyên nghiệp và không bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trong hết năm 2023.
Đặc biệt, việc ra mắt và đi vào hoạt động sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ mang đến nhiều kỳ vọng về tính minh bạch và cơ hội cho nhà phát hành, từng bước khơi thông thanh khoản, thu hút nhà đầu tư tổ chức vào thị trường.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Bởi rất nhiều vấn đề của thị trường TPDN còn tồn đọng. Do đó, tại cuộc họp Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Bộ Chính trị đã yêu cầu có giải pháp hiệu quả bảo đảm các thị trường TPDN, bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán, khoa học công nghệ hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững.
Có rất nhiều giải pháp cần thực thi để thị trường TPDN nói riêng hoạt động đạt các yêu cầu nói trên. Trong bối cảnh thị trường vẫn còn im ắng phát hành mới, mặc dù đã nhấp nháy tín hiệu phục hồi nhưng rất chậm, các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản gặp khó khăn với nợ vay trái phiếu cũ sắp đến hạn và bị nhà đầu tư đòi mua lại, mà bản thân doanh nghiệp chưa thấy cơ sở tạo nguồn thanh toán…, chúng ta nhìn hiện trạng này có phần giống Trung Quốc, Hàn Quốc sau đợt “vỡ nợ trái phiếu” năm trước. Các chính quyền đã phải kích hoạt cả chính sách hỗ trợ tín dụng cho thị trường bất động sản, lẫn bảo lãnh phát hành TPDN qua quỹ bảo lãnh.
>>Trái phiếu doanh nghiệp: Dự báo phục hồi nhu cầu từ nhà đầu tư tổ chức
Quỹ bảo lãnh trái phiếu cũng là vấn đề đã được Hiệp hội thị trường TPDN Việt Nam hay Chủ tịch UBND TP. HCM đề xuất.
Với mô hình Hàn Quốc đã thành công, chúng ta nên đặt vấn đề xây quỹ bảo lãnh hoặc quỹ bình ổn thị trường TPDN, với mục tiêu của quỹ là mở rộng thêm chỗ thu dọn nợ sang một bên và bơm vốn vào thị trường để dòng tiền vận hành trở lại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm để thoát khỏi tình trạng ách tắc hiện nay.
Quỹ bình ổn trái phiếu sẽ tham gia mua lại trái phiếu để thanh khoản thông suốt, doanh nghiệp và nhà đầu tư bớt khó khăn. Ngân sách cho quỹ nên xem từ ngân sách đầu tư nhà nước, có thể đề xuất điều chuyển từ nguồn đầu tư chưa hiệu quả sang, nhằm hỗ trợ bước đầu giúp kích hoạt thanh khoản thị trường có chọn lọc.
Tùy từng giai đoạn, quỹ cần xây dựng cơ chế linh hoạt phù hợp. Như giai đoạn hiệu nay là hỗ trợ phá băng thị trường TPDN, cần cơ chế mở, thoáng, nhanh, nhưng nhấn mạnh là nguyên tắc sàng lọc, đảm bảo nguyên tắc không hỗ trợ tư nhân một chiều không hiệu quả.
Song song, cần phải đưa giải pháp xử lý nợ xấu đi cùng tập trung bơm vốn cho tập đoàn, doanh nghiệp đang phát triển có tính bền vững, các lĩnh vực ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến 2030 nhằm tạo nên một đòn bẩy, sức bật mới trên thị trường.
* TS Nguyễn Hoàng Hiệp: Giám đốc Điều hành SQV International, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng
Có thể bạn quan tâm
VietinBank phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đợt 1 năm 2023
15:32, 28/07/2023
Tránh “méo mó” khi cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:20, 25/07/2023
Trái phiếu doanh nghiệp: Dự báo phục hồi nhu cầu từ nhà đầu tư tổ chức
14:00, 25/07/2023
Liên tiếp huy động vốn thành công qua trái phiếu, Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh là ai?
13:30, 27/07/2023