Sự phát triển “nóng” của thương mại điện tử kéo theo nhiều vấn đề phát sinh như trục lợi để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh…
>>>Cẩm nang kinh doanh trực tuyến “có tâm” cho doanh nghiệp SME
Theo Bộ Công Thương, chuyển sang giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 nhưng thương mại điện tử vẫn là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối hàng hoá, dịch vụ quan trọng. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn nhiều tồn tại trong các quan hệ giữa người bán - người mua, người bán - nhà cung cấp sản phẩm, giữa người bán - người mua - vận chuyển... Bà Lê Thị Thu Hằng, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng xử lý nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm như người tiêu dùng mua phải sản phẩm không đúng với quảng cáo; mua hàng nhưng không nhận được sản phẩm, không được cung cấp dịch vụ…
Thương mại điện tử là hoạt động phức tạp, có sự liên quan của nhiều bên liên quan, trong cả môi trường mạng và môi trường thực tế. Tính chất đặc thù của thương mại điện tử khiến cho việc phân định trách nhiệm giữa các bên gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra các tác động tiêu cực lên con người và môi trường.
Vì vậy, theo bà Lê Thị Thu Hằng, dự thảo “Bộ Quy tắc hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại điện tử tại Việt Nam” (Bộ Quy tắc) do UNDP phối hợp với Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) xây dựng là sáng kiến hay. Đây là Bộ Quy tắc đầu tiên quy định hầu hết các vấn đề người bán cần tiếp cận và nên thực hiện trong không gian mạng. Điều này góp phần tăng tính lành mạnh trong trao đổi, mua bán trên mạng, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp thương mại điện tử.
“Bộ Quy tắc được xây dựng toàn diện và công phu hơn rất nhiều, định vị trọng tâm là người bán và định hướng ưu tiên thực hiện những quy định, chính sách phát triển thương mại điện tử và phát triển bền vững. Đó là sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải trong quá trình đóng gói, ưu tiên nhập hàng của đối tác, nhà sản xuất trong nước… Có thể thấy, góc độ tiếp cận của Bộ Quy tắc rất nhân văn, phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ” - bà Lê Thị Thu Hằng đánh giá.
Tham khảo và đối chiếu Bộ Quy tắc hướng dẫn kinh doanh trực tuyến của ASEAN, theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Quy tắc của Việt Nam đã tiếp cận và đưa vào nhiều nội dung thiết thực để đảm bảo quyền lợi cho người mua, hướng dẫn người bán thực hành kinh doanh liêm chính, lành mạnh, từng bước xây dựng văn hoá trên môi trường mạng. Mua hàng trên mạng khác hẳn mua hàng truyền thống mà ở đó người mua đặt nhiều niềm tin vào người bán, khi nhận hàng người mua mới được cầm nắm sản phẩm thực tế. Ngược lại, mua hàng vật lý, trước khi quyết định bỏ tiền mua sắm, chúng ta đã được xem xét, tìm hiểu.
Từ thực tế trên, Bộ Quy tắc đề cập và hướng dẫn người bán không nên tư vấn thái quá, không được tạo ra những nhận xét, đánh giá (review) ảo. Tuy nhiên, theo đề xuất của bà Lê Thị Thu Hằng, cần bổ sung thêm nội dung: người bán không nên xóa những đánh giá, bình luận, trải nghiệm không ưng ý về chất lượng, hình thức hàng hoá, sản phẩm để người mua hàng sau này tiếp cận tốt hơn với sản phẩm; không nên tạo review ảo đánh giá về những sản phẩm, đối tượng cạnh tranh gây ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, dẫn lại vụ việc người giao hàng bị người mua hàng hành hung dẫn đến gãy tay vừa xảy ra do không thống nhất được số tiền ship hàng, bà Lê Thị Thu Hằng góp ý cần có hướng dẫn bổ sung về khoản tiền ship hàng để tránh những va chạm, đôi co đáng tiếc từ những khoản phí không lớn.
Đứng về góc độ người tiêu dùng, Bộ Quy tắc đã đưa ra những nội dung mà người bán nên làm và có thể làm cũng là góp phần tăng giá trị tối đa cho người tiêu dùng như công bố chính sách bảo hành, hoàn trả sản phẩm, cung cấp thông tin trung thực và chính xác. Người tiêu dùng mua hàng mong muốn nhận được sản phẩm chuẩn, đúng với thông tin đã công bố trên mạng. Do vậy, cung cấp thông tin trên môi trường mạng, sử dụng những hình ảnh thật nhất, gần nhất với sản phẩm là vô cùng quan trọng. Những nội dung này được thể hiện trong Bộ Quy tắc.
Trước đó, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, năm 2022, Cục Kinh tế số và thương mại điện tử đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thương mại điện tử đối với 8 đơn vị theo kế hoạch năm 2022 và đã xử phạt vi phạm hành chính 222 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Vietnam Solar E-Expo 2020: Nền tảng kết nối kinh doanh trực tuyến một cửa đầu tiên
15:54, 05/11/2020
Dropshipping: Mô hình kinh doanh trực tuyến mà người bán hàng không cần phải trực tiếp xử lý hàng hóa
06:24, 25/08/2020
Kinh doanh trực tuyến - Xu hướng mới của doanh nghiệp F&B mùa dịch COVID-19
11:23, 19/06/2020
Kinh doanh trực tuyến “đổi đời” nhờ... COVID -19
19:23, 26/03/2020
Cần Thơ: Đăng ký kinh doanh trực tuyến tăng mạnh
09:50, 24/03/2020
Kinh doanh trực tuyến cần làm gì để có khách từ nền tảng phổ thông này?
06:39, 08/03/2019
"Sân chơi" kinh doanh trực tuyến Việt rộng hay hẹp?
11:00, 18/12/2018