Những vướng mắc về hoàn thuế do các quy định chưa đồng bộ giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nếu chưa được giải quyết sớm sẽ gây khó cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư điện.
“Trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, việc phát sinh những điểm chưa phù hợp khi triển khai thực thi cơ chế chính sách không phải là hiếm, điều quan trọng là khi đã được nhận diện thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp” - Đó là chia sẻ rất thành thật của một doanh nghiệp mà chúng tôi ghi nhận được bên lề một cuộc đối thoại của VCCI với cộng đồng doanh nghiệp.
Nhắc lại tâm tư này là để liên hệ với những khó khăn của các doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất điện gió đang được báo chí nhắc đến trong các ngày gần đây. Theo đó, việc áp dụng theo các quy định liên quan của pháp luật hiện hành đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt trực diện với nguy cơ thiếu vốn, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, theo phản ánh thì các doanh nghiệp có hoạt động phát điện, bán buôn, bán lẻ điện thuộc Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư và điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng trong trường hợp cụ thể của các doanh nghiệp có dự án đầu tư điện là Giấy phép hoạt động điện lực.
Tuy nhiên, do giấy phép này chỉ được Bộ Công Thương cấp khi việc xây dựng dự án đã hoàn thành (chậm nhất trước 15 ngày làm việc kể từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại - Điều 11 Thông tư số 21/2020/TT-BCT) nên dẫn tới thiếu căn cứ để xử lý hoàn thuế GTGT đầu vào cho giai đoạn đầu tư của dự án. Bởi Luật Thuế GTGT số 106/2016/QH13 quy định không hoàn thuế đối với dự án đầu tư kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư.
Đồng thời, Khoản 3 Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghị định quy định chi tiết Luật Thuế GTGT còn quy định rõ, khi dự án đi vào hoạt động, tức là hết dự án đầu tư xây dựng thì không được hoàn thuế
Xét về lý thì mỗi một cơ quan khi được giao xây dựng văn bản chính sách đều căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý đối với ngành, lĩnh vực cụ thể. Đến khi thực thi, trên cơ sở thực tiễn quản lý riêng biệt, mỗi đơn vị lại có những quy định, hướng dẫn để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của chính sách.
Theo đó, để hướng dẫn rõ về điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực điện lực, Luật Điện lực đã quy định, với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực điện lực chỉ cấp giấy phép hoạt động điện lực mà không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Các nghị định, thông tư quy định và hướng dẫn thực hiện Luật Điện lực cũng đã quy định rõ về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực, tạo điều kiện các doanh nghiệp áp dụng thuận lợi.
Trên giác độ quản lý tài chính các doanh nghiệp có dự án đầu tư ngành điện, Luật Thuế GTGT cũng thể hiện rõ sự thống nhất về nguyên tắc quản lý đối với Luật Đầu tư và Luật Điện lực khi quy định, không hoàn thuế đối với dự án đầu tư kinh doanh ngành, nghề có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh. Để hướng dẫn rõ hơn cho người nộp thuế, các nghị định, thông tư quy định và hướng dẫn Luật Thuế GTGT đã quy định chi tiết việc xử lý hoàn thuế đối với từng trường hợp.
Đặc biệt, nhằm tăng cường quản lý hoàn thuế GTGT, góp phần chống thất thu NSNN, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính đã có những quy định rất chặt chẽ về hoàn thuế đối với từng giai đoạn của dự án. Về điểm này, Bộ Tài chính không phải không có lý khi thực tế đã có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp cố tình lợi dụng sự tạo thuận lợi của cơ quan chức năng trong việc cấp phép thành lập để gian lận tiền hoàn thuế, gây thất thoát ngân sách. Trong đó, có không ít vụ án đã không thể thu hồi được số tiến thuế đã xử lý hoàn, gây tổn thất lớn cho nền kinh tế và môi trường kinh doanh. Thế nên, quan điểm chặt chẽ và thận trọng trong các văn bản quản lý về tài chính là có thể hiểu được.
Tuy nhiên, dù mục tiêu khi ban hành là thế nhưng khi triển khai áp dụng trên thực tế có phát sinh bất cập thì việc cần nhất là phải nhận diện, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư điện lúc này, điều mong mỏi nhất là những vướng mắc về xử lý hoàn thuế do các quy định chưa đồng bộ, phù hợp giữa Bộ Công thương và Bộ Tài chính được giải quyết càng sớm càng tốt. Bởi mỗi một ngày chậm trễ của các cơ quan chức năng sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Được biết, trong thiện ý lắng nghe để nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, ngày 15/3 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với 13 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư điện. Hy vọng, sẽ rất nhanh thôi, những vấn đề bất cập, những điểm nghẽn phát sinh sẽ được giải quyết để các doanh nghiệp có dự án đầu tư điện ổn định và phát triển sản xuất, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà.
Có thể bạn quan tâm
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực có rủi ro cao về thuế
04:00, 31/03/2021
Hỗ trợ quyết toán thuế trực tuyến: Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người nộp thuế
16:14, 09/03/2021
Kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về hoàn thuế GTGT
20:30, 25/02/2021
Báo động tình trạng nâng khống giá trị xuất khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế
13:00, 24/02/2021