Với tổng doanh thu ước đạt 816.015 tỷ đồng (bằng 107% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.119 tỷ đồng; nhiều Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch năm...
>>>CMSC thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và 19 Tập đoàn, nhiều kết quả tích cực, vượt COVID-19 của các Tập đoàn, Tổng công ty đã được công bố.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 phát triển kinh tế xã hội. Bối cảnh quốc tế và trong nước xuất hiện nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường, biến đổi khí hậu toàn cầu và đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 diến biến hết sức phức tạp, khó lường đã tiếp tục tác động tiêu cực mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế, trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống dân sinh, trong đó có các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, Ủy ban đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch của Ủy ban thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ủy ban đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty; tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành; đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19.
Ủy ban đã chủ động trao đổi ý kiến, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết công việc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong thực tiễn. Tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo; trên cơ sở đó kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Năm 2021, Ủy ban thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Cụ thể, Ủy ban đã tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước thuộc quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, Ủy ban đã trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu được Chính phủ giao, bao gồm: công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch; công tác đánh giá doanh nghiệp; công tác quản lý, giám sát tài chính và công khai tài chính doanh nghiệp; công tác ban hành, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của 5 Tập đoàn, Tổng công ty; công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư Chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư; công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, Ủy ban đã chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, cơ quan xây dựng các báo cáo với Bộ Chính trị về một số vấn đề như: Cơ chế xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản bù giá cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; cơ chế tài chính cho các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương.
Chân dung Chủ tịch “Siêu uỷ ban” Nguyễn Hoàng Anh
Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất nặng nề đến hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, nhiều thị trường bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thời cơ, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, về sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu ước đạt 816.015 tỷ đồng (bằng 107% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.119 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách ước đạt 62.443 tỷ đồng. Trong đó, 13/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách ; 5 Tập đoàn, Tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 Tập đoàn, Tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020.
Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các tổn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp ngành công thương. Đây là cơ sở quan trọng để Chính phủ, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục sớm xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiếu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu, trong bối cảnh của đại dịch, những kết quả đã đạt được là cơ sở, nền tảng để chúng ta có thể lạc quan và kỳ vọng một bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm 2022.
Cơ bản tán thành với những nội dung nêu trong báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Tuy mới đi vào hoạt động được 3 năm, nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong năm tới, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty cần thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn các công việc thuộc thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty.
Theo đó, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc rà soát các quy định pháp luật còn gây vướng mắc để tập trung tháo gỡ; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban, bảo đảm cho Ủy ban có đầy đủ các quyền hạn tương xứng với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp và với các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Ủy ban cũng cần khẩn trương hoàn thành Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc thẩm quyền. Đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, nhất là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương. Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty triển khai ý kiến của Bộ Chính trị; đẩy mạnh giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng.
TheoChủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, năm 2021, riêng về công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong năm 2021 Ủy ban đã quyết liệt: Chỉ đạo 4 Tập đoàn, Tổng công ty tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; Chỉ đạo hoàn thành: cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2, phương án thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Tổng công ty Phát điện 3, quyết toán cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Chỉ đạo việc: tái cơ cấu, tăng, giảm, chuyển nhượng vốn đầu tư của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại các công ty thành viên; Hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện tái cơ cấu theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng (gấp 4,6 lần)...
Các Tập đoàn, Tổng công ty đã tích cực triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch. Một số Tập đoàn, Tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 18.194 tỷ đồng (90,1% kế hoạch), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 5.095 tỷ đồng (97,2% kế hoạch), Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 6.245 tỷ đồng (79,1% kế hoạch), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ước đạt 6.895 tỷ đồng (70% kế hoạch), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ước đạt 3.235 tỷ đồng (65% kế hoạch), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 19.600 tỷ đồng (44% kế hoạch). Trong đó, nổi bật là: Triển khai một số dự án trọng điểm về năng lượng (các dự án Nhà máy: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I); một số dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không (Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên).
Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban trong năm 2021, như trong việc giải quyết một số công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước được thực hiện đầy đủ những còn chưa bảo đảm thời hạn theo quy định; phát huy vai trò trong việc điều hành, định hướng các doanh nghiệp xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển, đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực hiện có, đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh...
Trong năm 2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty, Chủ tịch Ủy ban yêu cầu thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thời hạn các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid 19 vừa phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đầu tư theo chiến lược, kế hoạch, phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ cổ phần hóa doanh nghiệp làm ăn không tốt
04:40, 20/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 9: Cienco 1 liên tục đi “lùi”!
04:00, 19/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 8: Vì sao người lao động “kêu cứu”?
04:00, 18/08/2021
Bài học cổ phần hóa từ ngành GTVT - Bài 6: Có nên “tái quốc hữu hóa” ACV?
04:20, 12/08/2021
“Hạt sạn” trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước
11:10, 21/05/2021
Không phải cổ phần hóa là cái gì cũng bán!
11:00, 20/05/2021
TP. Hồ Chí Minh kiến nghị không cổ phần hóa Saigontourist
15:18, 06/05/2021