Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần như đồng thời ở bốn vùng biển, một động thái hiếm hoi có thể được thiết kế để báo hiệu sự sẵn sàng đối phó với Mỹ.
Tờ South China Morning Post vừa có bài viết cho rằng các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ở 4 khu vực cho thấy khả năng chống lại Mỹ.
Trung Quốc vừa thông báo thêm một đợt tập trận mới ở Biển Đông sau khi nước này có nhiều hoạt động quân sự gây quan ngại trong khu vực. Theo đó, Cục Hải sự Quảng Đông (Trung Quốc) hôm 23/8 thông báo từ 0 giờ ngày 24/8 đến 24 giờ 29/8 sẽ có cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.
Thông báo trên được đưa ra sau 2 ngày khi Cục Hải sự hải Nam đưa ra thông báo về một cuộc diễn tập quân sự sẽ diễn ra ở Biển Đông trong cùng thời gian như trên nhưng ở khu vực khác nhau. Thông báo từ Cục Hải sự Hải Nam nêu 8 tọa độ giới hạn khu vực diễn tập, trong đó có 3 vị trí nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Ngoài hai cuộc tập trận nói trên, theo tờ South China Morning Post, quân đội Trung Quốc còn đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Hoàng Hải từ ngày 22-26/8 và 2 cuộc diễn tập ở Bột Hải, trong đó có một cuộc diễn ra từ ngày 24-25/8 và một cuộc kéo dài cả tuần, đến ngày 28/8.
Có thể thấy, kể từ đầu tháng 8, Trung Quốc đã tiến hành tập trận liên tục ở Chiết Giang, Quảng Đông và khu vực bắc Biển Đông (trong đó có Hoàng Sa). Các khoa mục tập trung vào các hoạt động tác chiến đổ bộ và phối hợp quân binh chủng tác chiến biển.
Bình luận về động thái này của Trung Quốc, các chuyên gia quốc tế cho biết thời điểm diễn ra các cuộc tập trận nhằm báo hiệu khả năng huy động lực lượng ở nhiều địa điểm, mặc dù Bắc Kinh không nói rõ nhằm vào cuộc chiến chống Mỹ. – Trích đăng từ tờ South China Morning Post cho biết.
Theo bài báo đăng trên South China Morning Post, mặc dù đã đẩy mạnh đào tạo và tập trận trên tất cả các lĩnh vực, nhưng việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở bốn khu vực gần như cùng một lúc và sau một đợt tập trận lớn trong tháng trước đó là điều bất thường.
Bài báo nhắc lại các cuộc tập trận lớn đã được tổ chức gần Đài Loan vào giữa tháng 8 "để bảo vệ chủ quyền quốc gia" cũng trùng với chuyến đi của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar đến hòn đảo này. Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi Washington chuyển công nhận ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh vào năm 1979.
Tương tự, hồi tháng 7/2020, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải, vào thời điểm hai tàu sân bay Mỹ tiến hành các cuộc tập trận phòng không chiến thuật ở Biển Đông mà quân đội Mỹ nói là hỗ trợ.
Collin Koh, một nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết cuộc tập trận quân sự lần này của Trung Quốc đã gửi đi những tín hiệu cả về chính trị và hoạt động.
Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể gây ra xung đột vũ trang? Trả lời câu hỏi này, Koh nói: “Điều đầu tiên liên quan đến việc thể hiện quyết tâm theo kịp các công tác chuẩn bị chiến đấu trong thời bình trước mắt công chúng trong nước và bên ngoài. Động thái này chủ yếu nhắm vào các hoạt động quân sự gần đây của Hoa Kỳ và đồng minh ở những khu vực đó”. "Về mặt hoạt động, nó thể hiện khả năng của Hải quân Trung Quốc (PLA) trong việc huy động các lực lượng lớn để huấn luyện trên nhiều vùng biển - điều này cũng nhấn mạnh rằng PLA không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cách nào bởi đại dịch." - Koh nói thêm.
Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự ở Hồng Kông, cho biết bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong tương lai có thể xảy ra ở nhiều nơi cùng một lúc, đây là lý do chính khiến Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận hải quân khác nhau cùng một lúc. “Quân đội Trung Quốc cần tập trung đặc biệt vào Vịnh Bột Hải, gần thủ đô Bắc Kinh, vì vậy phải được canh phòng nghiêm ngặt. Chúng ta có thể hướng tới hòa bình về mặt chiến lược, nhưng chúng ta phải có các phương tiện quân sự để hỗ trợ mục tiêu này." - Ông Song nói thêm.
Có thể nhận thấy, nguy cơ đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng, với việc cả hai quốc gia gửi thêm tàu hải quân và máy bay đến Biển Đông, nơi Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á có tranh chấp hàng hải. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng trước gọi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển là bất hợp pháp. Cũng trong tuần trước, một bình luận tương tự đã được lặp lại bởi Australia.
Trao đổi trên tờ Tuổi trẻ, Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS, Trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, đối tượng mà Trung Quốc muốn hướng tới thông qua các cuộc tập trận này chủ yếu là Mỹ và Đài Loan, tiếp theo là các nước có liên quan tới tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
"Thông điệp là: trong bối cảnh căng thẳng và đại dịch hiện nay, Trung Quốc có đủ sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cần thiết để chống lại bất kỳ sức ép hay hành động gây hấn nào", nghiên cứu viên của SCIS nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương cho rằng, "Nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ở Biển Đông gia tăng nhanh chóng trong thời gian vừa qua, tần suất tổ chức tập trận liên tục của Trung Quốc như chúng ta thấy rất đáng lo ngại".
ThS Thế Phương phân tích, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung-Đài vẫn đang cao, các động thái và phát ngôn gần đây của Đài Loan, chẳng hạn hợp đồng mua 66 tiêm kích F-16 từ Mỹ, dường như đã khiến Trung Quốc "nóng mặt" và nhận thấy cần phải gây sức ép.
"Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và áp dụng chiến tranh tâm lý nhắm vào công chúng tại Đài Loan. Tập trận là một phần trong nỗ lực đó bên cạnh các động thái như triển khai máy bay chiến đấu đe dọa không phận Đài Loan. Trung Quốc đang cố gắng mô phỏng các chiến dịch chiếm Đài Loan và đảo Đông Sa, một hòn đảo chiến lược quan trọng do Đài Loan kiểm soát. Điều này gây áp lực lớn cho Đài Loan và thu hút sự chú ý từ Mỹ cũng như các nước khác có liên quan", ThS Thế Phương lập luận.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 25/08/2020
11:00, 20/08/2020
05:30, 18/08/2020
15:57, 17/08/2020
06:50, 15/08/2020
06:20, 05/08/2020