Tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu: Bước “leo thang” nguy hiểm ở Biển Đông

BẢO LAM 26/03/2021 05:08

Sự xuất hiện của hơn 220 tàu Trung Quốc xung quanh Đá Ba Đầu tại cụm đảo Sinh Tồn qua các hình ảnh được Philippines công bố đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm ở Biển Đông.

Ảnh vệ tinh chụp hôm 23-3 cho thấy tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu - Ảnh: AFP/Maxar Technologies

Ảnh vệ tinh chụp hôm 23/3 cho thấy tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu - Ảnh: AFP/Maxar Technologies

Hãng tin AFP ngày 25/3 chia sẻ ảnh chụp vệ tinh của Công ty công nghệ Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy cảnh các tàu Trung Quốc "dàn đội hình" tại Đá Ba Đầu hôm 23/3. Trong một ảnh chụp, nhiều tàu neo đậu san sát nhau, với nhiều lớp như vậy. Có hàng khoảng 50 tàu, có hàng khoảng 20 tàu...

Các ảnh chụp này được công bố vài ngày sau khi phía Philippines cho biết nhiều tàu được cho là tàu dân quân biển Trung Quốc xuất hiện tại Đá Ba Đầu, cũng như công bố các ảnh chụp cận cho thấy các tàu này.

Lúc đầu, các quan chức Philippines cho biết đã phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại Đá Ba Đầu hôm 7/3. Sau đó, Các lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cho biết phát hiện 183 tàu được cho là tàu dân quân biển Trung Quốc vẫn tiếp tục có mặt tại đây hôm 22/3.

Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Như có thể thấy từ các ảnh chụp vệ tinh, Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình chữ V. Nhiều tàu Trung Quốc di chuyển vào khu vực bên trong đá hình chữ V này. 

Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/3 cho biết các tàu Trung Quốc xuất hiện ở Đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam là “tàu cá” đang trú ẩn trong điều kiện thời tiết xấu. Tuy nhiên, theo thông tin của Lực lượng chuyên trách biển Tây Philippines (NTF-WPS), dù thời tiết quang đãng nhưng những tàu của Trung Quốc vẫn không tham gia hoạt động đánh bắt, mà chỉ bật nhiều đèn màu sáng trắng lên vào ban đêm.

NTF-WPS cho rằng sự việc trên gây quan ngại về khả năng Trung Quốc đánh bắt quá mức và hủy diệt môi trường biển, cũng như gây nguy cơ đối với an toàn hàng hải. Philippines ngay sau đó thúc giục Trung Quốc đưa các tàu này ra khỏi khu vực. 

Tàu dân binh Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu ngày 7/3. Ảnh: NTF-WPS

Tàu dân binh Trung Quốc dàn hàng gần đá Ba Đầu ngày 7/3. Ảnh: NTF-WPS

Liên quan đến vấn đề này, Australia và Nhật Bản cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về “những hành động gây bất ổn” có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Australia ngày 24/3 cho biết, nước này lấy làm lo ngại về việc Trung Quốc thực hiện động thái như vậy trên tuyến đường biển quốc tế, đồng thời khẳng định tất cả các quốc gia cần phải tôn trọng pháp quyền. Trong tuyên bố trên trang Twitter, Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson nhấn mạnh: “Chúng tôi rất lo ngại về những hành động gây bất ổn có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực”.

Ông Steven Robinson cho biết thêm: “Australia ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Biển Đông – tuyến đường biển quốc tế quan trọng cần phải được quản lý bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982”.

Tuyên bố của Australia được đưa ra một ngày sau khi Mỹ và Nhật Bản lên tiếng về vấn đề này. “Các vấn đề về Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và là mối quan tâm của tất cả các bên. Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi ủng hộ việc thực thi pháp quyền ở Biển Đông và phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình”, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhio thông báo trên trang Twitter ngày 23/3.

Trước đó cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Philipines đã chia sẻ mối quan ngại của Philippines, ủng hộ nước đồng minh trong cuộc đối đầu mới nhất với Bắc Kinh. “Chúng tôi chia sẻ quan ngoại với đồng minh Philippines về sự xuất hiện của các tàu dân quân biển Trung Quốc gần Đá Ba Đầu .Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt việc sử dụng lực lượng dân quân biển nhằm khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác, gây tổn hại hòa bình và an ninh trong khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ.

Về phía Việt Nam, ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông DOC, làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. "Là quốc gia ven biển và là thành viên của UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi công ước này", bà Hằng nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc đóng góp vào việc duy trì hòa bình an ninh ổn định và trật tự pháp lý trên biển trong khu vực.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc neo đậu nhiều tàu thuyền xung quanh Đá Ba Đầu. Năm ngoái, hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc cũng hiện diện tại đá Ba Đầu và Én Đất, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khi đó, tại buổi họp báo chiều 14/5/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chúng tôi luôn theo sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển”.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc lại “đun sôi” Biển Đông

    05:27, 10/03/2021

  • Đồng minh của Mỹ "hợp lực" đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

    05:15, 04/03/2021

  • Căng thẳng Biển Đông tiếp tục leo thang

    04:00, 02/03/2021

  • Việt Nam nói gì về hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông thời ông Biden?

    18:12, 25/02/2021

  • Mỹ tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

    15:31, 24/02/2021

  • “Qủa bom hẹn giờ” trên Biển Đông

    05:30, 22/02/2021

  • Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 2)

    05:30, 19/02/2021

  • Càng lấn sâu vào Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng bất lợi (Bài 1)

    10:00, 18/02/2021

  • Việt Nam có thể làm gì ở Biển Đông?

    06:32, 05/02/2021

  • Mỹ nhấn mạnh lập trường cứng rắn với Trung Quốc tại Biển Đông

    06:00, 29/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu: Bước “leo thang” nguy hiểm ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO