Trước khi làn sóng tẩy chay nổ ra, 70% smartphone bán ở Ấn Độ là hàng Trung Quốc.
Sau cuộc đụng độ biên giới căng thẳng hồi tháng 6/2020 giữa Ấn Độ và Trung Quốc, mối quan hệ giữa 2 nước đã bắt đầu có những dấu hiệu đi xuống trầm trọng.
Theo SMCP, một làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc mang tên #BoycottChineseProducts đã được thổi bùng lên cùng với những biện pháp trả đũa của chính phủ Ấn Độ nhắm vào các công ty Trung Quốc, trong đó có nhiều hãng sản xuất điện thoại.
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường smartphone Ấn Độ từ lâu đã trở thành “sân chơi” riêng cho các ông lớn Trung Quốc, đơn cử như Xiaomi, Realme, Oppo và Vivo.
Với dân số hơn 1,3 tỷ người, 800 triệu người Ấn Độ đang sử dụng điện thoại di động, trong đó có 495 triệu người cầm trong tay chiếc điện thoại smartphone.
Theo Counterpoint Research, 4/5 thương hiệu điện thoại đang thống lĩnh thị trường Ấn Độ thuộc về tay thương hiệu Trung Quốc, cùng nhau nắm lấy tới 73% thị phần.
Cụ thể, Xiaomi đang là thương hiệu smartphone dẫn đầu với 30% thị phần, tiếp sau đó là Vivo (17%), Realme (14%) và Oppo (12%). Samsung hiện là đối thủ duy nhất của các hãng Trung Quốc nhưng vẫn bị bỏ xa với vị trí thứ 3, chiếm 16% thị phần.
Điều đáng nói, sân chơi này không chịu nhiều ảnh hưởng của những thương hiệu điện thoại Mỹ, ví dụ như Apple. Các nhà sản xuất điện thoại nội địa Ấn Độ cũng chỉ chiếm 1% thị phần.
“Cứ 4 trên 5 mẫu điện thoại được bán ra thuộc về những thương hiệu Trung Quốc, tôi chưa bao giờ chứng kiến thị trường nào chi phối người dùng chặt đến vậy”, Tarun Pathak, Phó giám đốc Counterpoint cho biết.
Nhắc về thành công của thương hiệu Trung Quốc, các mẫu điện thoại do nước này sản xuất được đánh giá rất "chiều lòng" người dùng với mẫu mã đẹp, giá thành rẻ nhưng công nghệ vượt trội.
Chính do nhu cầu mua sắm smartphone tại Ấn Độ tăng vọt hàng năm, các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc đã triển khai hợp tác với công ty sản xuất và lắp ráp sản phẩm hàng đầu thế giới là Foxconn Technology nhằm mục đích xây dựng nhà máy. Hàng năm, Xiaomi cho ra lò khoảng 50 triệu chiếc, không kém cạnh, các hãng Oppo và Vivo cũng có công suất từ 40-45 triệu chiếc/năm.
Năm 2019, trong số 158 triệu chiếc smartphone được bán tại Ấn Độ, 99% trong số đó được lắp ráp trực tiếp tại địa phương. Không chỉ cung cấp sản phẩm, các công ty Trung Quốc còn tạo ra khoảng 100.000 công ăn việc làm cho người lao động tại đây. Ngoài điện thoại, Trung Quốc còn sản xuất nhiều sản phẩm khác cho thị trường Ấn Độ.
Theo Santosh Pai, đối tác tại một công ty luật Ấn Độ hiện có hơn 200 khách hàng Trung Quốc, ông cho rằng làn sóng tẩy chay và các biện pháp trừng phạt mạnh tay của chính phủ Ấn Độ sẽ gây tổn thương tâm lý nhà đầu tư, tính từ năm 2000-2019, Trung Quốc đã rót tiền đầu tư cho khoảng 690 doanh nghiệp Ấn Độ.
Nếu làn sóng tẩy chay kéo dài, các công ty Trung Quốc có thể phải tính đến chuyện tạm đóng cửa các nhà máy sản xuất và ngừng đổ tiền vào thị trường, phần nào gây ra nạn thất nghiệp tràn lan và ảnh hưởng đến nền kinh tế Ấn Độ.