Để đầu tư công năm 2024 đạt hiệu quả cao, các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào giai đoạn quyết liệt với nhiều giải pháp được chỉ đạo ban hành.
>>Hưởng lợi từ đầu tư công, doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng làm ăn ra sao?
Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân đầu tư công năm 2024, không để bị mất vốn, đảm bảo hoàn thành trên 95% kế hoạch được giao. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Trương Hải Long vừa ký văn bản số 702/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ban ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư theo dõi tiến độ thực hiện giải ngân đầu tư công. Bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Các đơn vị có dự án được đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền giao hết kế hoạch vốn năm 2024 trước ngày 10/4/2024.
Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các chủ đầu tư, Ban quan lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đông.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Sâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các đơn vị được giao làm chủ đầu tư, “khẩn trương tổ chức triển khai các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được giao theo đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục giải ngân, tránh dồn nhiều vào những tháng cuối năm. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án để xử lý theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; phấn đấu giải ngân hết kế hoạch được giao. Chủ động phối hợp với các nhà thầu, các đơn vị tư vấn để giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời đề xuất với cấp trên có biện pháp xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
>>Đầu tư công và thách thức giải ngân của TP. Hồ Chí Minh
Tại Tây Nguyên, Gia Lai và Kon Tum bị đánh giá là có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong cả nước. Thấp nhất là Gia Lai, tỉ lệ giải ngân năm 2023 ước đạt 39,46%, tỉnh Kon Tum ước đạt trên 46%.
Không chỉ ở các nhóm nằm dưới, các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên cũng triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy đầu tư công. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đặt ra kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2024. Với mục tiêu giải ngân đến ngày 30/6/2023 đạt từ 50% kế hoạch trở lên, đến ngày 30/9/2023 đạt từ 70% kế hoạch trở lên và đến ngày 30/01/2025 đạt 100%. Trong đó, ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu “thực hiện việc theo dõi hàng tuần, tiến độ thực hiện từng hạng mục, công trình của từng chủ đầu tư để nắm chắc tiến độ triển khai, tiến độ giải ngân, xác định nguyên nhân chậm tiến độ để tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện.
Theo thống kê, 5 tỉnh Tây Nguyên được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, với gần 15000 tỷ đồng. Trong đó, Gia Lai và Kon Tum được giao kế hoạch hơn 6728 tỷ. Đây là những con số vừa tạo sức ép, vừa tạo động lực phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu quy hoạch địa phương mà Chính phủ vừa phê duyệt./.
Có thể bạn quan tâm