Kinh tế địa phương

Tây Ninh: Tạo điểm nhấn thu hút du khách

Thùy Linh 02/10/2024 09:32

Ngành Du lịch Tây Ninh tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư, nâng tầm ngành du lịch, hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Du lịch được Tây Ninh xác định là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

9 tháng, Tây Ninh đón 4,5 triệu lượt khách du lịch

Trong 9 tháng năm 2024, ngành du lịch Tây Ninh tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh. Lượng khách tham quan và tổng doanh thu du lịch đều tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, khách tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách, đạt gần 82% so kế hoạch, tăng gần 42% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 2.400 tỷ đồng, đạt trên 103% so kế hoạch, tăng 7,1% so cùng kỳ.

p.png
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á toạ lạc trên đỉnh núi Bà Đen.

Theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến ấn tượng của khách du lịch trong nước và quốc tế, thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh phát triển.

Nhiều chương trình hợp tác như: chuỗi sự kiện văn hoá - du lịch, lễ hội và chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp như “Hương sắc Tây Ninh”, chương trình "Bình Phước với Tây Ninh: Một cung đường - Hai điểm đến”, đoàn Famtrip Bình Dương với chủ đề “Một cung đường - Ba điểm đến”… đã góp phần thu hút du khách đến với Tây Ninh.

Du khách tham quan Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.
Du khách tham quan Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng, giữ gìn chất lượng sản phẩm, dịch vụ, uy tín gắn với quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh, nâng cao chất lượng để thu hút du khách, như: triển khai ứng dụng mã QR – mã phản hồi nhanh tại các điểm tham quan du lịch và di tích trên địa bàn, phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch thông qua mạng xã hội; tập trung phát triển các giá trị di tích lịch sử văn hóa tại các khu, điểm đang thu hút khách du lịch của tỉnh. Đồng thời nâng tầm chất lượng các lễ hội tiêu biểu của tỉnh như Lễ hội Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, lễ hội thực phẩm Chay Tây Ninh…

Thu hút đầu tư vào du lịch

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tính đến nay, trên địa bàn Tây Ninh có 96 di tích đã đuợc xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố và 8 di sản văn hoá phi vật thế quốc gia đā được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận.

Một số khu, điểm du lịch hiện đã được đầu tư nâng cấp, các sản phẩm, dịch vụ được cải thiện về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lượng du khách đến tham quan các khu, điểm du lịch ngày càng nhiều, tiêu thụ nhiều sản phẩm hàng hóa, thực phẩm, đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ mang hình ảnh đặc trưng của Tây Ninh.

Tour du lịch nông nghiệp tham quan vườn mãng cầu- đặc sản của Tây Ninh
Tour du lịch nông nghiệp tham quan vườn mãng cầu - đặc sản của Tây Ninh

Việc tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành Đông Nam bộ; ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2029 với Tổng Công ty Du lịch Sài Gon (Saigontourist Group) đuợc xem là cơ hội lớn để Tây Ninh đẩy mạnh khai thác thế mạnh các sản phẩm đặc thù, tiêu biểu. Từ đó, giúp các địa phương xây dựng, phát triển các loại hình du lịch công nghiệp, đường sông, làng nghê truyền thống, vui chơi giải trí, văn hoá... đáp ứng nhu câu tham quan, tìm hiểu của du khách.

Bên cạnh đó, để tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, ngành du lịch Tây Ninh đẩy mạnh tổ chức đón các đoàn Famtrip đến khảo sát, kết nối du lịch tỉnh vói các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều "địa chỉ đỏ" về nguồn dần được quảng bá rộng hơn đến nhiều du khách ngoài những điểm đến đă được nhiều người biết đen như: Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, Linh Sơn Tiên Thạch tự (chùa Bà), di tích Chiến thắng Tua Hai, di tích tháp Chót Mạt, di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung uơng Cục miên Nam...

Theo Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, trong thời gian tới Tây Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tập trung hỗ trợ về pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, các tuyến giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và đường thuỷ nhằm kết nối giao thông giữa các điểm du lịch trong tỉnh và kết nối du lịch Tây Ninh với các địa phương khác trong vùng.

Cùng với việc tập trung thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao như: khách sạn từ 3 đến 5 sao; các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, khu điểm du lịch, hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn... Tây Ninh cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, tín ngưỡng và du lịch văn hoá tâm linh kết hợp phát triển đa dạng các loại hình du lịch khác như: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch xanh; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Tây Ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tây Ninh: Tạo điểm nhấn thu hút du khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO