[Tết Nguyên đán 2019 vòng quanh thế giới] Bài II: Người Nhật tiếc nuối!

Việt Nga 05/02/2019 11:00

Vì lý do kinh tế, Nhật Bản từ lâu đã không còn Tết Âm lịch. Tuy nhiên, nhiều người Nhật hiện nay tỏ ra tiếc nuối vì một hệ giá trị truyền thống có nguy cơ bị tuyệt diệt.

Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở Châu Á đón Tết theo Dương lịch, nhưng người dân xứ sở hoa anh đào vẫn giữ phong tục truyền thống trong tổ chức đón Tết hàng năm.

Vì sao Nhật Bản bỏ tết Âm lịch?

Triều đại Minh Trị (1868 - 1912) là giai đoạn hiện đại hoá nhanh chóng của Nhật Bản với một loạt cải cách về kinh tế.

Sắc lệnh của Nhật Hoàng ký năm 1872 nói rõ: “Lịch người dân Nhật Bản sử dụng suốt 1.200 năm qua là không có cơ sở thực tế, cản trở sự phát triển tri thức nhân loại, cần phải xoá bỏ và sẽ áp dụng lịch phương Tây từ nay cho đến mai sau”.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi khi ấy mang tính thời thế.

Thứ nhất, vì bối cảnh và thời thế ở thế kỷ 19 buộc nước Nhật phải như vậy. Nhận thấy sự phát triển hùng mạnh của phương Tây so với Châu Á, Nhật Bản đã đặt vấn đề là làm sao tăng trưởng kinh tế để vừa tránh bị đô hộ, vừa thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc.

Mục tiêu của Nhật Bản là đuổi kịp Phương Tây và đứng trong hàng ngũ các cường quốc trên thế giới. Do đó, việc thay đổi Âm lịch sang Dương lịch và thời gian đón Tết được xem là một trong những nỗ lực để thực hiện mục tiêu đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Sao lại bỏ Tết cổ truyền?

    Sao lại bỏ Tết cổ truyền?

    05:35, 09/02/2018

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ tình hình tài chính trong nước. Nếu thay đổi sang Dương lịch thì chính phủ không phải trả khoản lương tháng 13 cho nhân viên, do năm Minh Trị thứ 6 tính theo lịch cũ thì có tháng 6 là tháng nhuận.

Không chỉ vây, lịch dương sẽ có số ngày nghỉ ít hơn lịch âm, làm tăng sản lượng lao động toàn quốc, giúp chính phủ tiết kiệm số tiền khá lớn khi chuyển đổi sang lịch mới.

Phong tục cổ truyền đón Tết của người Nhật.

Mặc dù đã sinh hoạt theo Dương lịch nhưng người Nhật vẫn giữ cách đếm năm theo truyền thống, nghĩa là họ đánh số năm theo niên hiệu và số năm trị vì của Nhật Hoàng đương thời.

Ví dụ như năm 2018 là năm Heisen 30, tức là năm trị vì thứ 30 của Nhật Hoàng Akihito hiện tại. Cách đánh số này vẫn được phổ biến trên các loại văn bản, giấy tờ hành chính.

Phong tục đón Tết của người Nhật vẫn mang đậm văn hóa phương Đông. Theo quan niệm của họ, năm mới được tổ chức cho vị thần mang tên Toshigami-sama.

Vị thần này sẽ ghé thăm từng nhà và mang đến nhiều may mắn, sức khỏe cho năm mới. Vì vậy, vào những ngày giáp Tết, người Nhật sẽ sắm sửa đồ đạc, vệ sinh nhà cửa đón thần về nhà.

Việc dọn dẹp toàn bộ ngôi nhà sẽ được tiến hành từ trên xuống dưới, bao gồm cả gác mái và sàn nhà dưới tấm chiếu phải được làm cẩn thận để chào đón vị thần này.

Trước mỗi nhà đều có kadomatsu - một vật trang trí được làm bằng cành tre và cành thông vì theo tín ngưỡng thần Toshigami-sama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây này.

Kadomatsu - vật dụng trang trí nhà không thể thiếu trong ngày Tết của người Nhật.

Kadomatsu - vật dụng trang trí nhà không thể thiếu trong ngày Tết của người Nhật

Kadomatsu bao gồm 3 ống tre tươi cắt vát chéo được buộc với những cành thông, dùng treo trước cửa nhà để đón thần linh.

Trên khung cửa, người Nhật treo những món đồ để gửi gắm niềm mong ước những điều may mắn, tốt lành, chẳng hạn như dải giấy trăng để xua đuổi ma quỷ, quả quýt mong cầu thịnh vượng, thừng bện bằng cỏ với ước muốn tài lộc, đồ đan bằng lá màu trắng tượng trưng cho sự trinh bạch, ngay thẳng…

Để nghênh đón thần Toshigami-sama thì không thể thiếu thức ăn. Đại diện cho món ăn ngày Tết ở xứ Phù Tang là Osechi.

Đặc điểm của Osechi là các món ăn mang ý nghĩa phúc lành, đặt trong các khay xếp chồng lên nhau. Mỗi loại thực phẩm sẽ có một ý nghĩa khác nhau. Ví dụ khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh xua đuổi điều xấu, cà rốt thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Một khay Osechi truyền thống của người dân Nhật Bản

Một khay Osechi truyền thống của người dân Nhật Bản

Vào thời khắc giao thừa, người Nhật Bản có phong tục rung chuông để chào đón năm mới. Đây là một sự kiện đặc biệt và mỗi vùng lại tổ chức theo kiểu riêng.

Vài phút trước khi bước sang năm mới, các ngôi đền Phật giáo sẽ rung hồi chuông dài 108 lần như một phần của lễ Joya no kane.

Nghi lễ này được tổ chức để thanh tẩy tâm hồn con người cho một năm mới đang tới. Ở Tokyo, các ngôi đền nổi tiếng tổ chức lễ này là đền Zojoji gần tháp Tokyo và đến Sensoji ở khu Asakusa. 

Vào đêm giao thừa, người Nhật cũng có thói quen đi viếng đền thờ, chùa chiền bởi chuyến đi đầu năm thường là tới thăm nơi linh thiêng (gọi là hatsumoude).

Khi đến thăm viếng các đền thờ hay chùa chiền, người Nhật thường bỏ tờ tiền trị giá 5 yên vào hòm lộc.

Cũng như nhiều nước châu Á, người Nhật có tục mừng tuổi trẻ nhỏ vào dịp năm mới. Đây được xem là phong tục ngày Tết Nhật Bản.

Phong tục mừng tuổi thể hiệncách trân trọng những nỗ lực của trẻ nhỏ trong suốt một năm học, đồng thời bày tỏ sự động viên, khích lệ tinh thần của ông, bà, cha mẹ, người thân trong gia đình.

Nhiều người Nhật Bản muốn khôi phục Tết cổ truyền.

Rất nhiều người trung niên và cao tuổi ở Nhật Bản - dù họ đón Tết Dương nhưng vẫn muốn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của cha ông.

Vì thế, mỗi lần năm mới đến, người già Nhật Bản vẫn thường ngưỡng vọng về những ngày Oshogatsu xa xưa đang dần bị mai một.

Nói về vấn đề này Công sứ Nhật Bản - Hideo Suzuki từng chia sẻ, vào thời kỳ công nghiệp hóa dưới thời Minh Trị, việc chuyển từ ăn Tết Nguyên Đán cổ truyền sang Tết Tây là rất cần thiết. Còn ngày nay, đang có một luồng dư luận tại Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền.

Bởi theo dương lịch, ngày 1/1 hằng năm sẽ bắt đầu mùa xuân, nhưng trên thực tế, thời tiết tại Nhật vô cùng lạnh giá trong tháng 1. Vì vậy, rất khó cho mọi người cảm nhận một mùa xuân mới đang về.

Ngài Công sứ Suzuki nhấn mạnh: "Nhật Bản đã bỏ âm lịch để sử dụng dương lịch vì những đòi hỏi của nền kinh tế khi đó.Nhưng như tôi đã nói, Nhật Bản lẽ ra vẫn có thể giữ Tết Nguyên đán như một nét văn hóa cổ truyền và là sợi dây liên kết cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở, nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện "chúng ta là ai?".

Tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây, có những luồng dư luận cho rằng nên gộp Tết Nguyên đán vào dịp Tết Dương lịch, tuy nhiên vẫn rất nhiều người cho rằng cần phải giữ Tết Nguyên đán như một phong tục đẹp của dân tộc.

Ngày nay, nhiều người Nhật cảm thấy tiếc nuối với thứ lịch đã khiến họ mất dần bản sắc của mình, khiến họ lao vào một cuộc vật lộn không ngừng nghỉ của guồng xoay công nghiệp.

Do đó, với Việt Nam, có lẽ cũng nên nhìn nhận lại quan niệm cho rằng gộp tết để hòa nhập với xu thế chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[Tết Nguyên đán 2019 vòng quanh thế giới] Bài II: Người Nhật tiếc nuối!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO