Việc TCty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) chuyển sang niêm yết tại HoSE sẽ là tiền đề để doanh nghiệp này thoái vốn Nhà nước, nhưng đây cũng là thách thức với ACV trong việc hút mạnh dòng tiền.
Theo kết quả kinh doanh năm 2018, ACV ghi nhận năm sáng chói với doanh thu tăng 11% so với kế hoạch năm, và tăng 18% so với năm 2017. Tăng trưởng doanh thu của ACV chủ yếu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi cung cấp dịch vụ hàng không - phi hàng không & bán hàng là 16.270 tỷ đồng.
Chờ “đại chúng” lần 2
Được IPO và cổ phần từ cuối 2015-2016, ACV đến hiện tại là một trong những điển hình của các ông lớn doanh nghiệp Nhà nước hậu cổ phần vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ” - CTCP hoạt động theo mô hình Công ty mẹ con nhưng sở hữu chi phối lớn nhất vẫn thuộc về Nhà nước. Tại ACV, cơ quan chủ quản sở hữu chính là Bộ Giao thông Vận tải với tỷ lệ sở hữu 95,4%.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 15/11/2018
06:10, 14/12/2017
07:59, 13/12/2017
12:00, 27/08/2017
07:45, 02/07/2016
11:59, 29/12/2015
Theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 29/9 và từ tháng 11/2018, tại Lễ ký biên bản chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 5 Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn Nhà nước tại ACV đã được chuyển về chủ quản mới là Siêu ủy ban. Trong sổ sách kết thúc năm 2018, đơn vị đại diện/sở hữu vốn Nhà nước tại ACV sẽ thay đổi chi tiết cổ đông lớn nhất.
16.270 tỷ đồng là doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không- phi hàng không và bán hàng trong năm 2018.
Với tỷ lệ sở hữu Nhà nước chiếm hầu hết cấu trúc sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp, dù thuộc về đơn vị quản lý nào, ACV cũng như nhiều ông Tổng nhiều tiềm năng khác, luôn được đặt trong danh mục chờ đợi cổ phần hóa và đại chúng thực sự từ phía các nhà đầu tư. Bởi theo lộ trình và phương án thoái vốn đã đặt ra, ACV sẽ phải đưa tỷ lệ cổ phần sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp về mức 65% vào năm 2020.
Thách thức của ACV vào thời điểm này có lẽ không chỉ là đảm bảo an toàn bay hay làm sao để chuyển sàn tăng giá, mà là câu chuyện định giá như thế nào để khi thoái vốn 1 lần (hoặc tách 2 lần), thi trường hấp thụ cổ phiếu đó hiệu quả nhất.
Khó thoái vốn Nhà nước theo lộ trình
Năm 2018, ACV lên kế hoạch sẽ thoái 20% vốn điều lệ (tương đương hơn 4.300 tỷ đồng tính theo mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng) trong năm, giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống còn 75,4% vốn điều lệ. Tiếp đó, tới năm 2020, 10,4% vốn nữa sẽ tiếp tục được thoái. Ngoài ra còn có một phương án khác cũng được tính đến là tiến hành thoái 1 lần cả 30% vào năm 2020. Giá bán cổ phần được xác định theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp cho đến hết số lượng cổ phần thuộc vốn Nhà nước cần chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm. Đối tượng mua cổ phần là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Trên thực tế, kế hoạch theo “kịch bản 1” đã chưa diễn ra. Thị trường chứng khoán 2018 với nhiều yếu tố không thuận lợi được cho là một nguyên nhân khách quan. Về nội bộ và chủ quan, ACV cần thời gian để giải quyết dứt điểm 2 vấn đề là quyết toán thuế để hoàn tất việc quyết toán giá trị vốn cổ phần của ACV sau cổ phần hóa. Ngoài ra, cùng với cơ chế quản lý khu bay, chiếu theo Nghị định 44 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không nêu rõ giao Bộ GTVT xây dựng phương án giao quản lý khu bay cho doanh nghiệp phải rõ ràng “đâu vào đâu”. Hoàn tất gỡ 2 rào cản này, thực thi chuyển sàn là cơ hội để ACV nâng giá “bãi đỗ” cổ phiếu - giúp việc thoái vốn “cất cánh”.
Với quyết định chuyển sàn dự kiến trong quý I/2019, rõ ràng ACV đang chờ “đèn xanh” dứt điểm với rào cản quá khứ. Có nghĩa thời điểm và trách nhiệm thoái vốn Nhà nước tại ACV đúng lộ trình sẽ đặt lên vai Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước trong năm 2019 hoặc năm tiếp theo, sau khi Bộ Giao thông Vận tải giải quyết rào cản 2.
Theo một chuyên gia, Siêu ủy ban mới được thành lập và đang ở giai đoạn vừa chạy vừa xếp hàng - vừa sắp xếp nhân sự, ổn định việc tiếp nhận vốn vừa vận hành hoạt động quản lý vốn. Do đó, trừ phi thị trường chứng khoán quá thuận lợi và cổ đông tương lai quá kỳ vọng, khả năng cao là ACV cũng chưa thể lập tức thoái vốn Nhà nước theo lộ trình ở 2019 vì đơn vị này cũng cần cả thời gian để thực thi tư vấn, định giá giá trị doanh nghiệp, có cơ sở phù hợp cho thoái vốn.
Những “ngôi sao sáng” đổi sàn 2019 Không chỉ ACV, mà một số doanh nghiệp lớn chọn chuyển sàn từ UPCoM, HNX sang HoSE trong năm 2019. Trong đó, PV Power đã hủy niêm yết tại UPCoM vào cuối tháng 12/2018 để sẵn sàng lên sàn HoSE vào 14/1 sắp tới. Còn Vietnam Airlines hiện cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE. Đây đều là những doanh nghiệp được ví như “bom tấn” xét về vốn hóa lẫn các chỉ tiêu kinh doanh/ngành và thị trường, nhưng thanh khoản cổ phiếu chưa cao. Việc đổ bộ lên sàn mới theo đó, cũng được cho là thước đo đánh giá lại sức hấp dẫn thực sự của các mã hàng hóa này trong mắt giới đầu tư “kiên nhẫn”. Gọi là kiên nhẫn, bởi các doanh nghiệp này đều có điểm chung là cấu trúc cổ đông cô đặc, Nhà nước đang sở hữu đa số. Tỷ lệ cổ phiếu tự do lưu hành theo đó cũng là một yếu tố đáng lưu tâm để nhà đầu tư thực sự muốn “vào” hay “đứng trông” các ngôi sao sáng sẽ chuyển sàn mới. Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) dự báo Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016 – 2040, trong khi IATA cũng dự báo Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Bên cạnh đó, thị trường vận tải hàng không tiếp tục đà tăng trưởng với sự tham gia của các hãng hàng không mới nội địa cũng như các đường bay quốc tế mới dự kiến khai thác tại các điểm đến như Phú Quốc, Phú Yên, Phù Cát… Đây chính là những yếu tố có thể sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược khi Nhà nước thoái vốn. |