Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tháo gỡ "nút thắt" trong thu hút đầu tư, SXKD... để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số PCI.
>>>Tỉnh Thái Bình thực hiện tốt hỗ trợ, xúc tiến thu hút đầu tư
Ông Thận cho biết: Dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ đẩy mạnh hiệu quả, đồng bộ các giải pháp năm 2023 tổng sản phẩm GRDP của tỉnh Thái Bình ước đạt hơn 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022, cao hơn bình quân cả nước. Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng tính đến 30/11/2023, đã thu hút 126 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh với số vốn ước đạt gần 46.490 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kì năm 2022. Năm 2023 tổng vốn đăng ký của các dự án FDI đầu tư vào tỉnh Thái Bình khoảng trên 3 tỷ USD. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh vượt mốc 1.000 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới. Tổng thu ngân sách nhà nước năm nay ước thực hiện hơn 24.400 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 134,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao,…
- Để đạt được kết quả trên, Thái Bình đã có những giải pháp gì, thưa Ông?
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 01/CTHĐ-UBND ngày 20/01/2023, trong đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch CCHC; tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn", "nút thắt" trong thu hút đầu tư, phát triển SXKD theo hướng thực chất và hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ: Giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công… Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với đội ngũ công chức...
- Một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển KT-XH là doanh nghiệp. Để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, tỉnh đã có những chính sách đồng hành, thưa Ông?
Xác định doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và với mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, tỉnh coi công tác xúc tiến đầu tư "tại chỗ" là hoạt động quan trọng, thông qua hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp để triển khai nhanh các dự án đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thủ tục đất đai...
Riêng 9 tháng đầu năm 2023 tại các buổi làm việc của tỉnh với thường trực HHDN tỉnh đã có 71/78 kiến nghị đã được giải quyết tháo gỡ, còn 07 kiến nghị đang được các sở, ngành của tỉnh tập trung giải quyết. Cùng với đó, tỉnh đổi mới trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo; chỉ đạo Tổ công tác hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; chỉ đạo Tổ Công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ Hàn Quốc- Korea Desk tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp...
Mặt khác, tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ngành rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; Tăng cường xúc tiến đầu tư nước ngoài thông qua các đại diện kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài như: Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài, VCCI, KOTRA, KORCHAM, JETRO, EUROCHAM, AMCHAM... để thiết lập hợp tác hỗ trợ cho tỉnh trong việc tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài và giới thiệu các dự án đầu tư vào Thái Bình.
- Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, PCI Thái Bình năm 2022 tăng 19 bậc so với năm 2021. Tuy nhiên, trong 10 chỉ số thành phần, Thái Bình vẫn có 4 chỉ số giảm điểm. Theo Ông, đâu là “điểm nghẽn”?
Qua phân tích đánh giá các chỉ số tăng, giảm điểm, tỉnh nhận thấy ý thức trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức thực hiện giải quyết các TTHC còn khiêm tốn; Thái độ cán bộ, công chức tại một số sở ngành khi giải quyết công việc chưa cao. Mặt khác, đối với các Hiệp định Thương mại tự do, mặc dù đã được Sở Công thương, Trung tâm Hỗ trợ, Xúc tiến Đầu tư và Phát triển tỉnh thường xuyên tổ chức phổ biến, tập huấn… nhưng một số doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, chưa tận dụng hết lợi thế về ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận những thông tin còn chưa đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, đa số các TTHC niêm yết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có thời hạn ngắn hơn theo quy định của Trung ương, vẫn còn một số ít thủ tục là các nhiệm vụ đặc thù nên thời gian giải quyết kéo dài do người dân và doanh nghiệp không nắm rõ về quy trình, thủ tục giải quyết của các cơ quan nhà nước, dẫn đến tình trạng còn có ý kiến đánh giá hiệu quả giải quyết công việc chưa cao. Vì vậy tỉnh, phấn đấu năm 2023 Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong tỉnh (SIPAS) đạt trên 85%, đến năm 2025 đạt trên 95%.
- Để cải thiện 4 chỉ số trên cũng như tiếp tục nâng cao các chỉ số còn lại, Thái Bình đã có những biện pháp cụ thể nào trong năm 2023, thưa Ông?
Tỉnh đặt mục tiêu tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thứ hạng chỉ số PCI giai đoạn 2021 - 2025, tăng điểm của các chỉ số thành phần, đặc biệt chú trọng khắc phục ngay các điểm yếu đối với các chỉ số bị giảm điểm, điểm chưa cao, các chỉ số bị đánh giá thấp trong 63 tỉnh thành; Phấn đấu mỗi năm tăng từ 3 đến 5 bậc, đến năm 2025 đứng trong nhóm từ thứ 15 đến thứ 20 trong bảng xếp hạng PCI của cả nước; Tiếp tục tạo sự thay đổi tích cực, rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thái Bình – Hàn Quốc
16:44, 02/12/2023
Thái Bình: Khai mạc chương trình “Thái Bình Homecoming Day”
23:16, 01/12/2023
Thái Bình: Thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường
08:49, 01/12/2023
Thái Bình: Hành trình kiến tạo phát triển chuyển đổi số
15:45, 30/11/2023
Thái Bình: Gia tăng sức hút với các nhà đầu tư Hàn Quốc
01:08, 23/11/2023
Sắp đón 3 nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Thái Bình
10:33, 11/11/2023